Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Tham gia CPTPP: Thách thức lớn nhất là cải cách thể chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng thách thức lớn nhất, đồng thời cũng là cơ hội đối với VN khi tham gia hiệp định chính là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.  
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận
Con đường cải cách còn dài
"Quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tếthị trường hiện đại và hội nhập"-Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình)

Là đại biểu (ĐB) đầu tiên tham gia ý kiến, ông Vũ Tiến Lộc (ĐB tỉnh Thái Bình) khẳng định việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ mang lại những cơ hội quý giá, song nhấn mạnh “tất cả chỉ mới là cơ hội” vì từ việc thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang có cho thấy không thể không lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực. Từ đó, ĐB Lộc cho rằng việc quan trọng là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp (DN) để có thể hiện thực hóa các cơ hội.
“Nỗ lực xuyên suốt, quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập”, ĐB Lộc nói và nhấn mạnh để đạt tới “chuẩn mực” này chúng ta phải cố gắng rất nhiều.
Dẫn câu chuyện bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy VN đứng thứ 69 trên thế giới, xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP, ĐB tỉnh Thái Bình lưu ý “Khoảng cách với thế giới còn quá lớn. Con đường cải cách do vậy còn dài” và cho rằng việc cải cách cần phải được gia tốc, bắt đầu từ những điều giản dị như khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và DN...
ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) khẳng định cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất đối với VN ở góc độ quốc gia khi tham gia hiệp định này. Bà Hà băn khoăn, phương thức công nghiệp hóa lấy xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài làm động lực theo kiểu “xây nhà trên móng của người khác” hiện nay liệu có hiệu quả trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, bà đề nghị rà soát lại tổng thể chính sách công nghiệp, thương mại và đầu tư để tìm phương thức tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với VN trong bối cảnh mới, nhằm khơi dậy, giải phóng sức sáng tạo, năng lực nội sinh, các nguồn lực và thị trường trong nước...
Thách thức chưa có tiền lệ với công đoàn
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) thì băn khoăn về yêu cầu cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại DN khi tham gia hiệp định. Theo ĐB Lợi, Chính phủ đã nhận diện và đề xuất biện pháp xử lý đối với vấn đề này. Tuy nhiên, việc tổ chức đại diện NLĐ lại đứng cạnh tổ chức công đoàn là “vấn đề khó, chưa có tiền lệ”.
Bên cạnh đó, việc cho phép hình thành tổ chức đại diện của NLĐ bên cạnh tổ chức công đoàn hiện nay cũng gắn liền với việc xem xét, sửa đổi, nâng cao hiệu quả các cơ chế về đối thoại, thương lượng, hợp tác, tham vấn trong quan hệ lao động. Từ đó, ông Lợi đề nghị ngoài những văn bản pháp luật Chính phủ đã đề nghị sửa đổi, bổ sung cần phải xem xét một cách toàn diện hệ thống pháp luật hiện hành khi tham gia hiệp định.
Phát biểu sau đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cũng khẳng định sự ra đời của tổ chức đại diện NLĐ bên cạnh tổ chức công đoàn của VN là thách thức lớn, chưa có tiền lệ.
“Tổ chức Công đoàn VN sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện NLĐ về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính”, ĐB Hiểu nói và cho biết việc này cũng sẽ phát sinh không ít khó khăn trong triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công.
Tuy nhiên, ông Hiểu khẳng định Công đoàn VN sẵn sàng vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội để đổi mới tổ chức hoạt động. ĐB này cũng đề xuất khi sửa đổi bộ luật Lao động cần thiết lập những quy định thông minh, vừa đảm bảo cam kết với các đối tác, vừa linh hoạt trong thực thi, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ NLĐ mà vì những động cơ chính trị, chống phá nhà nước hoặc bị giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn VN.
 
Đề xuất thêm 2 năm thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
Ngày 5/11, trình bày báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN trước QH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định kết quả thực hiện thí điểm cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện nghị quyết đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, cải cách thủ tục hành chính...
Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đề nghị QH xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN thêm 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019.
 
Không tạo ra vùng trống nhưng cũng tránh chồng chéo nhiệm vụ trên biển
Chiều 5/11, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu luật Cảnh sát biển VN, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho hay tại phiên thảo luận trước đó, một số ý kiến ĐB còn băn khoăn về quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, vì chưa thống nhất với luật Quốc phòng (quy định lực lượng vũ trang gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ), dễ gây hiểu nhầm cảnh sát biển tương đương 3 lực lượng trên, gây nhạy cảm, khi có tranh chấp, xung đột trên biển, rất dễ bị thế lực thù địch lợi dụng. Tuy nhiên, đến nay đa số ĐB đã thống nhất quy định đây là lực lượng vũ trang, vì kế thừa các pháp lệnh trước đây, thực hiện hơn 20 năm không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cho lực lượng này. Nhiều ĐB cũng băn khoăn về sự trùng lắp, chồng chéo của các lực lượng hoạt động biển như hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển...
Ông Võ Trọng Việt cũng cho biết, dự thảo luật đã sửa và đã xác định chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng để hạn chế tối đa việc chồng chéo. Ví dụ, về kiểm soát tàu thuyền trên biển, lực lượng kiểm ngư sẽ kiểm tra, kiểm soát những vi phạm pháp luật của lực lượng đánh bắt; cảnh sát biển được kiểm tra, kiểm soát và phát hiện những hoạt động của tàu thuyền hoạt động trên biển. Về hoạt động phát hiện, bắt giữ các tàu thuyền vi phạm pháp luật, theo ông Việt, luật quy định là lực lượng nào phát hiện trước thì bắt giữ, sau đó bàn giao lại cho lực lượng chủ trì để xử lý. “Đây là một thực tiễn đã được tổng kết từ rất nhiều năm nay. Trước đây vẫn có tình trạng tranh công đổ tội, gây khó khăn chấp pháp trên biển. Nhưng từ khi thực hiện quy định này, tình hình bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng thì rất rõ”, ông Việt cho biết.
Tổng kết thảo luận, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ khẳng định dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không tạo ra vùng trống trên biển, nhưng cũng tránh chồng chéo giữa các lực lượng. Ngày 20.11, QH sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự luật này.
Lê Hiệp (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm