Phóng sự - Ký sự

Thăm nhà cụ Thi ở Chiang Mai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Liên đoàn Báo chí Thái Lan của Hội Nhà báo Việt Nam vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, chúng tôi dành thời gian còn lại đến Chiang Mai, một tỉnh nằm về phía Bắc xứ Chùa Vàng và ghé thăm nhà cụ bà Trần Thị Thi, một Việt kiều, một gia đình có công với cách mạng.

Đã gần 90 tuổi nhưng tiếp chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 của mình nằm trong một con hẻm trung tâm thành phố Chiang Mai, bà cụ vẫn còn rất minh mẫn. Bằng tiếng Việt sành sỏi, bà bảo quê của bà ở Vụ Bản, Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cho đến nay, sau hơn 70 năm xa cách, bà vẫn không một khi nào không nhớ về quê hương và tiếng Việt vẫn là thứ tiếng bà yêu quý nhất cho dù học và trưởng thành từ xứ Triệu Voi và đất Chùa Vàng.

 

Cụ Thi bên Bằng công nhận tham gia hoạt động cách mạng trước 1-1-1945 của thân phụ. Ảnh: B.H

Cụ nhanh nhạy vào phòng trong ôm tấm bằng danh dự ghi công lao hoạt động cách mạng của người cha quá cố khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về chuyện hồi đầu năm nay, đại diện Thành ủy Hà Nội đã chính thức ký quyết định công nhận ông cụ thân sinh của bà là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Là người con gái duy nhất của cụ Trần Quang Vy còn sống, cụ Thi đã cùng với một số người thân, bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là bác Trần Hữu Phúc là người cháu gọi cụ Vy bằng chú ruột, một cán bộ đã về nghỉ hưu đang sống tại quận Ba Đình, Hà Nội đã ròng rã 10 năm có lẻ đi tìm sự thật cho cụ Trần Quang Vy, và bác Phúc trở thành người đại diện cho gia đình đứng ra làm các thủ tục để cụ Vy được công nhận là người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945.

Theo bà cụ Thi thì thân sinh của mình đã xa nhà từ thuở thanh xuân và cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc. Khi được giao nhiệm vụ công tác ở xứ sở Triệu Voi, với nhiều cương vị khác nhau cho đến khi trở thành Ủy viên Xứ ủy và cùng nhiều đồng đội trực tiếp giúp đỡ cách mạng Lào trong thời còn non trẻ và ông cũng đã từng bị giặc Pháp giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Là người trong quá trình hoạt động cách mạng đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc, thời gian lại đã quá lâu, nhiều đồng đội của cụ Vy người đã hy sinh, người đã mất, số còn lại tứ tán nhiều phương cho nên để có cơ sở hoàn chỉnh một bộ hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là người hoạt động trước đầu năm 1945 và là một đảng viên từ ngày đầu thành lập Đảng cho cụ Vy là điều không đơn giản một chút nào.

 

Cụ Thi cùng người thân. Ảnh: B.H

Để có những bằng chứng xác thực, đầy đủ theo những nguyên tắc bất di bất dịch của các quy định từ phía chính sách, nhiều khi bà cụ Thi, bác Trần Hữu Phúc và người thân, bạn bè của cụ Vy tưởng chừng như đã chùn bước. Nhưng rồi sự thật nào chắc chắn cũng sẽ được ghi nhận và lòng tin vào điều đó của gia đình cụ Vy giờ đây cũng đã được đền đáp!

Bà cụ Thi hết đứng lại ngồi như có chuyện gì đó làm bà không yên khiến tôi thấy áy náy trong lòng. Hỏi ra mới biết là hồi đầu năm nay khi bà về lại Hà Nội để nhận Bằng công nhận cho cha, kết hợp thăm viếng bà con, bạn bè ở quê nhà, rồi ghé (là bà bảo thế) Viêng Chăn thăm lại chốn xưa một thời bà từng ở đó cùng cha mình những ngày ông tham gia hoạt động cách mạng. Bà cụ bảo là bao chuyện buồn vui cứ hiện về mồn một khi có ai đó nhắc tới hai tiếng Việt Nam. “Có lẽ lần đi về quê hương vừa rồi là lần cuối cùng của bà”, cụ Thi nói vậy với tôi rồi dùng tay áo lau những giọt nước mắt đọng trên những nếp nhăn thời gian để lại trên gương mặt đã hằn bao nỗi thăng trầm cuộc sống trên xứ người.

Cụ kể trong niềm vui buồn lẫn lộn rằng từ khi cụ ông mất, bà 37 tuổi, một mình nuôi bốn người con, hai trai hai gái trên xứ sở xa lạ, đơn côi, thế mà chẳng hiểu sao cụ vẫn vượt qua tất cả, sự nghèo khổ, khó khăn đủ bề, chỉ với sạp hàng be bé ở trong con phố nhỏ, ngày ngày hai sương một nắng kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi con. Giờ các con, các cháu nội ngoại của cụ đã trưởng thành, gia đình, nghề nghiệp, công việc ổn định.

 

Đường phố Chiang Mai. Ảnh: B.H

Chuyện là vậy nhưng với cụ là những kỷ niệm không bao giờ quên trên những nơi cụ từng sinh ra và lớn lên, sống và trải qua những gian khổ cùng những biến cố của những cuộc chiến tranh liên miên đưa đẩy cụ hết nơi này đến nơi khác và định cư lại chốn Chiang Mai của nước bạn này cũng đã ngót 70 năm rồi còn gì, thế mà sự day dứt nhớ quê, nhớ nước đã có bao giờ nguôi ngoai trong cụ.

Nhìn bà cụ đã qua thời tảo tần sương gió, bụi thời gian như đọng lại cả trên khuôn mặt già nua nhưng vẫn có nét gì ấy của một người đã có thời xuân sắc; tôi động viên: “Bà còn khỏe và minh mẫn lắm, chúc bà sống lâu trăm tuổi”. Tiếp lời tôi, anh Minh nói vui, rằng ngày xưa nghe nói (em) Thi là hoa khôi của cả vùng ấy chứ. Mà chắc là như thế, cái gen truyền lại từ cụ mà các con cháu cụ được thừa hưởng nên xinh đẹp thế kia là điều minh chứng cho lời anh Minh nói.

Hàng xóm thấy nhà cụ Thi có khách lạ đã cùng đến chung vui, anh phiên dịch Trần Hữu Minh (tuy kém cụ Thi trên 20 tuổi nhưng là con phía nhà bác, nên cụ Thi vẫn phải gọi anh Minh bằng anh) làm việc… hết công suất, đôi khi nhầm lẫn cả tiếng Việt và tiếng Thái bởi người hỏi, người trả lời lúc bằng tiếng Việt, lúc lại là tiếng Thái. Tôi chú ý đến một người ít nói, đó là một anh chàng chừng ngoài 50 (là tôi đã đoán vậy) ngồi cạnh bà cụ Thi.

Thì ra đó là anh con trai đầu Đàm Văn Phong của cụ, anh không nói được tiếng Việt, trừ những câu xã giao thông thường nhưng cũng không chuẩn nên ngại nói chuyện với người chưa quen. “Đàm Văn Phong đã ngoài 60 rồi, giáo viên nghỉ hưu đấy, nhà gần đây thôi”-anh Minh nói với tôi thế. Anh Minh còn cho biết, trong bốn người con của cụ Thi, ngoài anh Phong là giáo viên ra còn một chị nối nghiệp anh trai theo nghề dạy học, một chị mở tiệm bán vàng, anh còn lại làm nghề mua bán, sửa chữa bình ăc-quy, tất cả đều ở thành phố Chiang Mai này, giờ cuộc sống của họ đã tốt lên rất nhiều…

 

Chiang Mai nhìn từ trên núi Cung điện Nhà Vua. Ảnh: B.H

Tôi bắt chuyện với anh Phong, rất khó khăn anh mới có thể trả lời những câu hỏi thông thường của tôi, tuy nhiên khi anh đã… “bình tĩnh” lại thì vừa nghe, vừa đoán, vừa nhờ đến “sự can thiệp” của anh Minh, tôi cũng đã nhập cuộc cùng anh trong câu chuyện nghề, chuyện nhà. Anh bảo tuy về hưu nhưng còn sức nên cũng tham gia làm những việc nhẹ có thể để giúp gia đình cùng với khoản lương hưu 2,4 vạn baht/tháng (gần 17 triệu VND) cũng tạm đủ chi phí, “nhất định tôi sẽ dành thời gian rảnh để tự học tiếng Việt”-anh bảo vậy, “lâu nay bận rộn công việc của trường, của nhà nên không có điều kiện, bây giờ phải tập trung mà học cho bằng được để còn giữ cái gốc Việt của mình khi xa xứ chứ”-một lần nữa anh khẳng định vậy.

Các con của anh đã lớn cả, người nào cũng đã học hành chu đáo và họ đều có việc làm ổn định. Anh vui vẻ hẳn khi nói về chuyện một ngày nào đó chúng tôi lại ghé thăm gia đình anh. Anh bảo ở Chiang Mai cũng có Hội người Việt, nhưng vì thời gian lưu lại ở đây không nhiều so với lịch trình của chuyến đi đã sắp sẵn nên chúng tôi hẹn lần sau lại đến và sẽ tìm hiểu kỹ hơn về chuyện này. Nhưng mừng thay, quanh khu phố gia đình bà cụ Thi sinh sống cũng như những nơi có bà con Việt kiều định cư, qua các đồng nghiệp bạn Thái ở đây, tôi được biết họ luôn yêu thương, tôn trọng nhau, cùng sẻ ngọt chia bùi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường nhật…

 

Ngôi nhà Việt Nam xây ở Công viên Thế giới thực vật của nhà Vua Thái Lan  tại Chiang Mai. Ảnh: B.H

Chiang Mai, nơi bà cụ Thi đã định cư ngót 70 năm kể từ khi theo cha ra nước ngoài, giờ cùng với nơi chôn nhau cắt rốn Hà Nam của bà, nó cũng đã trở thành chốn định cư và chắc cũng là nơi gởi gắm phần đời còn lại của cụ. Chia tay với cụ và những người thân trong gia đình, hàng xóm, tôi cúi chào cụ lần nữa, bà cụ đáp nhẹ bằng cái gật đầu theo cái dáng lưng đã cong cong và đôi mắt sâu thẳm ngân ngấn nước mà không nói được nên lời… Tôi chợt nghĩ, có lẽ ít nơi đâu, hoặc không thể ở nơi nào ngoài xứ Việt lại có thể sản sinh ra những người phụ nữ biết son sắt thủy chung với nước, với nhà, suốt cả cuộc đời, khi còn nhỏ theo cha, lớn lên theo chồng, khi về già là vì con, theo con, theo cháu… cũng như lời người xưa ngàn đời đã tổng kết!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm