Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải với địa danh Hiền Lương-Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt 2 miền Nam-Bắc và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ.
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải có diện tích 9 ha gồm các hạng mục: Nhà trưng bày lịch sử; cột cờ giới tuyến; nhà liên hợp; đồn công an; cầu Hiền Lương lịch sử; các dàn loa; tháp canh... |
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (năm 1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải làm ranh giới, để chờ đến tháng 7-1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau, đến năm 1975, với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào ta đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.
Các đại biểu cùng ôn lại ký ức hào hùng và bi tráng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới chân Cột cờ giới tuyến. |
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải có diện tích 9 ha gồm các hạng mục: Nhà trưng bày lịch sử; cột cờ giới tuyến; nhà liên hợp; đồn công an; cầu Hiền Lương lịch sử; các dàn loa; tháp canh...
Trong đó, cầu Hiền Lương là trung tâm của Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Cầu nằm ngay trên vĩ tuyến 17, bắc qua sông Bến Hải, đoạn chảy qua thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).
Cầu Hiền Lương là cây cầu bắt qua sông Bến Hải, từng là biểu tượng cho sự chia cắt và hy vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam. |
Trong thời kỳ chiến tranh, cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền Bắc-Nam (từ năm 1954-1975). Cầu dài gần 180 m với 894 tấm ván bắc qua. Vì là ranh giới chia cắt 2 miền nên cầu Hiền Lương được sơn bằng 2 màu khác nhau, miền Bắc sơn màu xanh, miền Nam sơn màu vàng.
Ghé thăm Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải trong những ngày cả nước hướng đến Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), mỗi thành viên trong đoàn công tác tỉnh Gia Lai nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung luôn khắc ghi những ký ức hào hùng, bi tráng trong thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ.
Đoàn cán bộ của tỉnh Gia Lai chụp hình lưu niệm tại Cột cờ giới tuyến. |
Đây cũng là dịp để tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tham quan Nhà liên hợp-nơi tổ chức các hội nghị và làm trung tâm chỉ huy của đội quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Châu Ngọc Tuấn cùng với các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chụp hình lưu niệm tại điểm chia cắt trên cầu Hiền Lương. |
Dịp này, đoàn cán bộ của tỉnh Gia Lai đã đến thăm Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Nơi đây là chứng tích lịch sử về sức mạnh, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường bám đất giữ làng, sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc ta.
Đoàn cán bộ của tỉnh Gia Lai đã đến thăm Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. |
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh phân bố khắp 15/22 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), có 114 địa đạo với tổng chiều dài hơn 40 km, hệ thống giao thông hào hơn 2.000 km và hàng trăm tiểu đạo khác. Trong những năm kháng chiến, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trở thành những “làng hầm”-lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, thể hiện ý chí “một tấc không đi, một ly không rời” bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu ra tiền tuyến.