Kinh tế

Nông nghiệp

Thận trọng với tour học tập nông nghiệp nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều doanh nhân khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp mong muốn được tham quan, học tập các mô hình sản xuất của nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm đầu tư. Tuy nhiên, nhiều tour tham quan, học tập nông nghiệp nước ngoài gần đây quảng cáo rầm rộ, nhưng hiệu quả không đúng sự thật.
Quảng cáo nổ
Vừa mới đi tham quan nông nghiệp tại Israel thông qua tour quảng cáo trên mạng xã hội, anh Võ Duy Linh (quận 7, TPHCM) trở về nước với cảm giác thất vọng.
Đang có ý định khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, anh Duy Linh được nhiều người giới thiệu trang Start Up Study Tour trên Facebook có hàng chục ngàn người theo dõi và đang tổ chức tour tham quan, học tập nông nghiệp công nghệ cao tại Israel, với hành trình tham quan mô hình hội chợ nông nghiệp hơn 100 gian hàng và nhà vườn đầu tư công nghệ cao.
“Chuyến tham quan thu hút hơn 50 người tham gia, thậm chí có nhiều doanh nhân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng vào TPHCM chỉ để đăng ký tour tham quan. Tuy nhiên, quảng cáo khác xa với thực tế, hội chợ chưa tới 30 gian hàng, còn nhà vườn chỉ là một trang trại nhỏ, không có nhà màng, nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt...”, anh Võ Duy Linh bức xúc.
Cũng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp học tập kinh nghiệm từ nước ngoài thông qua các công ty du lịch, nhưng sau đó đều tự rước sự bực tức vào người.
Thường xuyên tham quan mô hình nông nghiệp nước ngoài, ông Chu Hòa đang công tác tại một công ty phân bón ở TPHCM, phân tích: “Qua nhiều chuyến đi, tôi thấy phần lớn đơn vị tổ chức còn rất non kém, chưa có kinh nghiệm, thiếu thông tin từ nước ngoài… Về phía doanh nghiệp khởi nghiệp thường chưa có kiến thức, chỉ có thể biết được thông tin trên mạng xã hội nên thường bị mắc lừa. Nhu cầu nhiều, nhưng chưa thấy các cơ quan xúc tiến của ta nghiên cứu tổ chức, hoặc hợp tác các nước tổ chức cho nông dân Việt Nam học tập, tham quan những mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài”.
 
Để tham quan, học tập nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài, cần phải có đơn vị chuyên môn tổ chức
Sau các lần bị lừa, nhiều công ty tự bỏ tiền đi học tập nông nghiệp nước ngoài. Ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn, tâm sự: “Những lần sau đó, công ty đều cử cán bộ đi tiền trạm hoặc đi theo nhóm nông nghiệp cùng chung ý tưởng, nhưng tự tổ chức đi thì tốn rất nhiều chi phí không lường trước được”.
Một phương pháp an toàn, ông Trang Quốc Dũng, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Nông Phát, chia sẻ: tốt nhất là thông qua các đối tác nước ngoài của công ty để tìm hiểu nông nghiệp nước sở tại. Quan trọng trong học tập nước ngoài là người phiên dịch phải am hiểu lĩnh vực nông nghiệp để dịch chuẩn, tránh gây khó hiểu, thông tin rời rạc, không chính xác. 
Cần thành lập trung tâm
Với quan điểm cá nhân, ông Trần Ngọc Hổ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, chia sẻ: “Sở không có chức năng đào tạo, tổ chức cho các doanh nghiệp tham quan, học tập nông nghiệp ở nước ngoài. Chỉ có trường hợp là sở tổ chức xúc tiến thương mại có mời doanh nghiệp tham gia; hoặc có thể hỗ trợ, ý kiến cho doanh nghiệp học tập mô hình phù hợp dựa trên cơ sở định hướng phát triển của ngành nông nghiệp của TPHCM”. 
Đã từng tổ chức tham quan, học tập nước ngoài miễn phí cho nông dân và các hợp tác xã, ông Trần Trường Sơn, nguyên Phó chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, đề xuất thành phố nên thành lập một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp đô thị phát triển nông thôn mới; trong đó có chức năng tư vấn, tổ chức học tập nông nghiệp nước ngoài.
Hiện các nhà nông trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu về các chương trình ra nước ngoài để học tập công nghệ làm nông mới. “Nhu cầu này rất lớn nhưng cơ chế và chính sách chưa có. Các doanh nghiệp du lịch, trường, viện, trung tâm, cơ quan xúc tiến thương mại địa phương… cần ngồi lại với nhau để bàn bạc đáp ứng nhu cầu này. Chúng ta phải tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức phát triển nông nghiệp sạch quốc tế… để mang đến cho nhà nông trẻ Việt Nam nhiều kiến thức làm nông mới, bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng”, ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đề xuất.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, việc tổ chức tham quan, học tập nông nghiệp nước ngoài có nhiều cái rất khó. Thứ nhất là đơn vị tổ chức phải có trình độ chuyên môn sâu về nông nghiệp.
Tiếp nữa, đơn vị tổ chức phải có kho dữ liệu của công ty nước ngoài; bởi có trường hợp công ty nước ngoài đã thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng khi qua nước bạn thì đối tác nước ngoài này “bể kèo”.
Song, chi phí tổ chức học tập nông nghiệp nước ngoài cao hơn rất nhiều so với du lịch thông thường do thuê chuyên gia, đến các công ty, nhất là di chuyển đến các trang trại lớn thường ở vùng nông thôn.

Điều không thể thiếu, phiên dịch viên đi cùng phải có trình độ chuyên môn về nông nghiệp để dịch được những khái niệm chuyên ngành.

Thanh Hải (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm