Thời sự - Bình luận

Thanh minh trong tiết… Corona!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quy định, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 Âm lịch (nhằm ngày 2-4 Dương lịch) tới đây, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 1 ngày.  Trong ngày này, các khu dân cư cũng thường tổ chức cúng Thanh minh. Ngoài ý nghĩa tâm linh hướng về nguồn cội, lễ cúng Thanh minh còn là dịp để mọi người trong khu dân cư có dịp giao lưu, chia sẻ, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết láng giềng.

 

Mỗi ngày, vi rút SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Mỗi ngày, vi rút SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Tuy nhiên, Thanh minh năm nay rơi vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên chính quyền các địa phương yêu cầu người dân không tụ tập đông người dễ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh. Điều đó cũng có nghĩa là các khu dân cư phải hoãn hoặc không tổ chức lễ cúng Thanh minh năm nay. Tại TP. Pleiku, theo thông tin từ Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Nguyễn Xuân Hà, UBND các xã, phường đã yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng-chống dịch Covid-19, đặc biệt là hoãn hoặc không tổ chức lễ cúng Thanh minh trong tháng 3 Âm lịch. Đơn cử như UBND phường Yên Đổ đã có Công văn số 146/UBND-VP về việc đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và hạn chế tập trung đông người để phòng-chống dịch Covid-19. Không chỉ bằng văn bản, UBND phường Yên Đổ còn chỉ đạo tổ trưởng các tổ dân phố trực tiếp xuống các khu dân cư để vận động người dân cam kết thực hiện quy định về phòng-chống dịch bệnh.

Có thể nói, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 đã đi trước một bước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giữa quy định của cơ quan quản lý nhà nước và việc chấp hành của người dân vẫn còn có độ vênh cần phải “lấp đầy”. Bởi lẽ, việc chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng-chống dịch bệnh trong thời gian qua vẫn chưa triệt để. Đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh, mặc dù đã có lệnh đóng cửa tạm thời nhưng một số quán bar, vũ trường, tụ điểm karaoke… vẫn lén lút hoạt động. Tại Gia Lai, đến nay, một số người dân vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Theo quan sát của chúng tôi, trong đêm 25-3, một số cơ sở bi da, karaoke… vẫn đỏ đèn. Vì vậy, để người dân không tổ chức cúng Thanh minh và tụ tập ăn uống đông người thì ngay từ bây giờ, chính quyền và các đoàn thể địa phương cần kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Liên quan đến các giải pháp cấp thiết phòng-chống dịch Covid-19, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện với những nội dung rất cụ thể, sát thực tế. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cấp ủy, chính quyền cũng như người dân trong tỉnh cần nghiêm túc thực hiện Công văn số 621/UBND-KGVX ngày 24-3-2020 và Công văn số 630/UBND-KGVX ngày 25-3-2020 của UBND tỉnh.

Tính đến nay, tất cả các mẫu bệnh phẩm được đưa đi xét nghiệm của Gia Lai vẫn cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Đó là thông tin rất đáng mừng nhưng không vì thế mà hệ thống chính trị và người dân được phép chủ quan. Bởi lẽ, dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến vô cùng phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Mỗi ngày, vi rút SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào-thành trì cuối cùng ở Đông Nam Á đã có những ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, số bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại nước ta gia tăng hàng ngày. Trong bối cảnh ấy, chỉ cần một hành động vô ý thức của người dân có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người dân cần tuân thủ các quy định và lắng nghe những khuyến cáo của Bộ Y tế để góp phần ngăn chặn dịch Covid-19.

 

DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm