(GLO)- Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Chư Sê đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xứng đáng là lực lượng tiên phong, đội dự bị tin cậy của Đảng.
Đến thôn 1 (xã Ia Hlốp) hỏi về trang trại nuôi thỏ của anh Lê Minh Hoàng (SN 1993) thì người dân ở đây đều biết. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh, sau thời gian làm việc tại đây, anh Hoàng quyết định trở về quê để có điều kiện chăm sóc mẹ già. Năm 2015, anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ New Zealand từ Trung tâm Nghiên cứu dê-thỏ Sơn Tây (TP. Hà Nội) và bén duyên với nghề nuôi thỏ từ đó. Đến nay, trang trại của anh Hoàng đã có 200 con thỏ sinh sản, hơn 1.000 con thỏ thịt. Mỗi tháng anh xuất bán 1,2 tấn thịt thỏ ra thị trường. Ngoài nuôi thỏ, anh còn trồng 1,5 ha cà phê. Công việc hiện tại đã mang lại cho anh Hoàng thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. “Để nuôi thỏ đạt hiệu quả thì phải kiên trì, nắm chắc kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đặc tính loài thỏ dễ mắc các bệnh như: tiêu chảy, tụ huyết trùng nên phải hiểu rõ bệnh để có giải pháp điều trị phù hợp”-anh Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Lê Minh Hoàng (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) có nguồn thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm từ trang trại nuôi thỏ New Zealand. Ảnh: C.H |
Rời xã Ia Hlốp, chúng tôi đến làng Greo Pết (xã Dun) tìm hiểu về cách tập hợp thanh niên hiệu quả. Dẫn chúng tôi thăm 3 sào lúa và 5 sào bắp, anh Siu HYur (SN 1994) phấn khởi cho biết: Đây là công sức của gần 50 ĐVTN trong làng. Sau khi thuê lại đất bỏ hoang, chi đoàn huy động ĐVTN góp sức làm kênh mương dẫn nước, xới đất, làm cỏ để trồng lúa, bắp gây quỹ. Ngoài ra, chi đoàn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Năm 2018, làng đại diện cho xã tham gia liên hoan cồng chiêng cấp huyện và đạt giải ba. Đến nay, 100% ĐVTN trong làng đều biết đánh cồng chiêng. Chị Tạ Thị Ngọc Yến-Bí thư Đoàn xã Dun-cho biết: Toàn xã có hơn 600 ĐVTN. Ngoài sự hỗ trợ của địa phương, ĐVTN trên địa bàn xã rất tự lập, năng động trong phát triển kinh tế. Các hình thức vần đổi công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.
Trao đổi với P.V, anh Nay Winh-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê-cho hay: Từ đầu năm đến nay, ĐVTN các xã đã nạo vét hơn 11 km kênh mương nội đồng, dọn vệ sinh hơn 10 km đường tự quản, sửa chữa đường làng với chiều dài 100 m, giúp đỡ 5 gia đình làm hàng rào, xây dựng 2 vườn rau. Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 200 lượt người dân và cắt tóc cho hơn 100 em thiếu nhi với tổng kinh phí 25 triệu đồng. Ngoài ra, hàng trăm bộ quần áo, phần quà, nhu yếu phẩm đã được huy động và trao tận tay các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Để đồng hành với ĐVTN trên địa bàn huyện trong phong trào lập thân, lập nghiệp, từ đầu năm đến nay, Huyện Đoàn Chư Sê đã tham mưu UBND huyện và phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân vốn vay cho 24 hộ với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; đồng thời chuyển một số tổ tiết kiệm và vay vốn từ các hội-đoàn thể sang Đoàn Thanh niên các xã để giúp ĐVTN có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Anh Nay Winh cho biết thêm: Huyện Đoàn thường xuyên rà soát và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, hợp tác xã của thanh niên tiêu biểu như mô hình chăn nuôi dê, trang trại thỏ giống-thỏ thịt, trồng cây sachi... “Khi được giới thiệu về các mô hình này, ĐVTN trên địa bàn rất tích cực học hỏi, vận dụng phát triển kinh tế gia đình. Bản thân các ĐVTN làm kinh tế giỏi đều rất tâm huyết khi chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho các ĐVTN khác để giúp nhau cùng phát triển. Chính sự năng động, sáng tạo và xung kích vì cộng đồng của ĐVTN đã góp phần mang lại hiệu quả cho các phong trào mà Huyện Đoàn triển khai trong thời gian qua”-anh Winh nói.
CHÍ HÀO