Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Thanh niên dân tộc thiểu số Tây Nguyên lập nghiệp, làm giàu-Bài 1: Lan tỏa cảm hứng tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không ly hương, nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số trong các buôn làng Tây Nguyên tự tin bám trụ và lập nghiệp thành công tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ở đó, họ đã vượt qua những rào cản cố hữu về tâm lý ỷ lại và tập quán mưu sinh lạc hậu. Cũng chính giữa buôn làng mình, họ lớn lên từng ngày về ý chí lập nghiệp, thay đổi tư duy và phương thức làm ăn để tạo lập một cuộc sống giàu có, văn minh.
Chị Cơliêng Rolan - chủ thương hiệu K’Ho Coffee giới thiệu sản phẩm của mình cho một khách du lịch.
Chị Cơliêng Rolan - chủ thương hiệu K’Ho Coffee giới thiệu sản phẩm của mình cho một khách du lịch.
Những người trẻ mà chúng tôi sẽ kể sau đây không chỉ là những tấm gương khởi nghiệp, làm giàu thành công ngay tại quê hương, mà còn bởi họ đã giúp bà con buôn làng của mình bằng nhiều cách. Những thanh niên đó vừa nỗ lực khẳng định bản thân vừa góp phần lan tỏa nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực cho lớp trẻ cộng đồng.
Những người tiên phong
Chuyện Jơ Jê Ha Mi ở thôn Ða Kao 1, xã Ðạ Tông, huyện Ðam Rông (Lâm Ðồng) quyết định làm giàu bằng cách sản xuất rau sạch là một câu chuyện đẹp. Chuyển "thói quen rau rừng" đến "tư duy rau sạch hàng hóa" của Ha Mi đã tiếp thêm động lực cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện nghèo nhất của tỉnh Lâm Ðồng có ý định khởi nghiệp trên quê hương mình.
Bao năm qua, gia đình Ha Mi cũng khó khăn như bà con thôn nghèo Ða Kao 1, nơi phần lớn là người Cơ Ho sinh sống. Với thu nhập từ vài sào lúa nước, cà-phê, ngô, cuộc sống gia đình anh luôn khó khăn. Bởi vậy, chàng thanh niên này trăn trở trước cái nghèo, với những bữa cơm cá suối, măng rừng.
Từ 50 triệu đồng vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và 30 triệu đồng vay thêm của người thân, Ha Mi đầu tư mua vật tư, thiết bị, cải tạo vườn để trồng các loại rau thương phẩm trên 8.000 m2 đất của gia đình, cung ứng cho thị trường trong huyện và các địa phương giáp ranh. Vườn rau này mang lại nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Hiệu quả kinh tế chưa phải cao, nhưng thanh niên dân tộc thiểu số biết trồng rau sạch thương phẩm là câu chuyện khá lạ, bởi từ trước đến nay, đồng bào chỉ quen miệng với măng nứa, đọt mây, rau rừng.
Hay ở buôn Kla, xã Ðray Sáp, huyện Krông Ana (Ðắk Lắk), anh Y Pốt Niê người Ê Ðê - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ê Ðê Café, được cộng đồng ghi nhận là một người trẻ năng động. Tốt nghiệp Cao đẳng Y tế nhưng tìm việc khó khăn, Y Pốt trở về và khởi nghiệp ngay tại buôn làng. Sinh ra và lớn lên giữa vùng cà-phê, anh chọn sản phẩm này cho nghiệp kinh doanh.
Với những kiến thức tích lũy, giỏi tiếng Anh, nên Y Pốt tìm hiểu, học hỏi được nhiều từ các chuyên gia cà-phê thế giới để tìm hướng đi riêng. Từ năm 2018, công ty của anh liên kết với 20 hộ đồng bào trồng 25 héc-ta nguyên liệu sản xuất hữu cơ, thu mua sản phẩm giá cao hơn thị trường. Toàn bộ sản phẩm của công ty đều được rang thủ công, lấy thương hiệu "Ê Ðê Café" khẳng định sản phẩm do đồng bào bản địa sản xuất thủ công.
Ðến nay, Y Pốt đã đầu tư trang thiết bị và công nghệ sản xuất với năm dòng sản phẩm cà-phê bột Robusta, Arabica, Culy, Mix2, Mix3; hai dòng cà-phê hòa tan hương sầu riêng và hương nguyên chất. Các sản phẩm của công ty tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu ra các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất...
Ðiểu Ngun, chàng trai người M’Nông ở xã Ðắk R’Tih (Tuy Ðức, Ðắk Nông) được gia đình cho gần sáu sào đất để làm vốn. Ban đầu anh trồng cao-su nhưng không thành công. Quyết tâm thay đổi, Ngun mạnh dạn vay hơn 600 triệu đồng, thay thế cây cao-su bằng cà-phê và hồ tiêu giống mới, đồng thời kết hợp trồng xen cây ngắn ngày làm thức ăn chăn nuôi. Khi có vốn tích lũy, anh tiếp tục mua thêm đất mở rộng sản xuất.
Ðến nay, với hơn sáu héc-ta cây công nghiệp xen canh các loại cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập gần 700 triệu đồng. Nhà vườn trẻ Ðiểu Ngun còn giải quyết công ăn việc làm cho ba lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ là thanh niên dân tộc thiểu số.
Còn ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê (Gia Lai), cuối năm 2018, cô gái Bahnar Hồ Thị Viên đã thực hiện dự án xây dựng mô hình sản xuất cây cà gai leo theo hướng hữu cơ, và ứng dụng công nghệ cao trên diện tích gần hai héc-ta. Dự án của cô nhận được sự ủng hộ của chính quyền. Từ hai héc-ta thí điểm, đến nay đã có 10 hộ cùng tham gia với hàng chục nghìn cây giống đang được ươm mầm; sắp tới Viên sẽ tạo dựng thương hiệu trà dược liệu Pơ Nang.
Ðáng mừng, vừa qua, dự án của Hồ Thị Viên đã lọt vào tốp 20 trong số 128 dự án nông nghiệp trong cả nước được Ủy ban Dân tộc đề xuất Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện trong khuôn khổ định hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…
Ðồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn nhắc về những người trẻ khác trong cộng đồng bằng niềm tự hào, bằng niềm tin về sự thay đổi tư duy. Ðó là anh Ðinh A Ngưi, người dân tộc Bahnar ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) với mô hình du lịch homestay đón du khách trong và ngoài nước thu về 70 triệu đến 80 triệu đồng/tháng.
Ðó là cô gái H’Oan H’ra, người dân tộc Ê Ðê ở buôn K’Nha, xã Ðắk Wil, huyện Cư Jút (Ðắk Nông) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn cây công nghiệp. Nhiều người cũng biết đến thương hiệu "K’Ho Coffee" của Cơliêng Rolan ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng); cô gái Cơ Ho đã khởi nghiệp thành công bằng chính hạt cà-phê Arabica, loại cà-phê đặc sản vùng núi Langbiang.
Câu chuyện anh Lưu Lập Ðức người dân tộc Tày ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Ðức Trọng (Lâm Ðồng) với Công ty AGRI Ðức Tiến cung ứng cho thị trường khoảng 20 tấn nông sản mỗi ngày cũng đã truyền cảm hứng đến đông đảo người trẻ địa phương. Ở huyện Krông Năng (Ðắk Lắk), chị H’Bích Niê Kđăm, người Ê Ðê ở buôn Wiao A, đã thành lập Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Kim Bình Mắc-ca, để kinh doanh các sản phẩm chế biến từ hạt mắc-ca và sản xuất, kinh doanh rượu cần truyền thống Ê Ðê; doanh thu hằng năm đạt hơn 2,3 tỷ đồng…
Nhân rộng các mô hình
Không chấp nhận cuộc sống nghèo khổ; quyết tâm vượt qua những rào cản cố hữu trong tập quán mưu sinh lạc hậu; tìm kiếm cơ hội làm ăn từ chính tiềm năng sẵn có tại địa phương… là những điểm chung của các bạn trẻ người dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công. Hầu hết, họ chọn ngành nông nghiệp, một thế mạnh của cao nguyên bazan. Không chỉ vươn lên lập nghiệp, làm giàu cho chính mình, họ giúp vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và thu hút lao động tại chỗ nhằm cải thiện cuộc sống cho những người đồng tộc. Và hơn hết, những cách làm thành công của họ, sự khởi sắc trong đời sống của gia đình họ là hình mẫu trực quan cho lớp trẻ cùng buôn làng noi theo.
Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 300 nghìn thanh niên, trong đó chiếm gần một nửa là thanh niên dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, Tỉnh đoàn Gia Lai đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình, gương điển hình phát triển kinh tế, giúp đoàn viên - thanh niên trên địa bàn nỗ lực lập thân, lập nghiệp, thoát nghèo, làm giàu. Từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã tổ chức tuyên dương 50 gương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu, trong đó có năm gương thanh niên người dân tộc thiểu số.
Anh Phan Hồ Giang - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: "Ðồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều diễn đàn giao lưu, đối thoại với các doanh nhân trẻ thành đạt và phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất trong thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số. Các mô hình khởi nghiệp không chỉ tạo công ăn, việc làm mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho thanh niên ở vùng sâu, vùng xa".
Ðắk Lắk hiện có hơn 451 nghìn thanh niên, trong đó có khoảng 40% là thanh niên dân tộc thiểu số. Trong thời gian dài trước đây, việc khởi nghiệp trong thanh niên vùng dân tộc thiểu số chưa có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên ở các buôn làng do đời sống khó khăn, còn nặng tâm lý ỷ lại, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Giữa vùng đất cao nguyên rộng lớn và màu mỡ nhưng để tìm được một mô hình khởi nghiệp đúng nghĩa không dễ. Nhưng nay đã khác, làn sóng khởi nghiệp, làm giàu đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều buôn làng Ðắk Lắk.
Bí thư Tỉnh đoàn Ðắk Nông, Châu Ngọc Lương nhận định khách quan về lực lượng thanh niên trẻ: "Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã có sự vượt trội, tự khẳng định mình một cách chủ động, với ý chí và quyết tâm cao trong phát triển kinh tế. Ðã có sự xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả của đoàn viên - thanh niên dân tộc thiểu số, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, họ còn là hạt nhân xuất sắc trong công tác đoàn, hội tại địa phương. Thông qua hoạt động đoàn đã giúp đỡ, tạo công ăn việc làm, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong đoàn viên - thanh niên, tạo sự lan tỏa sâu rộng".
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Ðồng Ndu Ha Biên chia sẻ: "Những năm gần đây, phong trào thanh niên lập nghiệp ngày càng lan tỏa sâu rộng tại địa phương. Ðiều đáng mừng, nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi tư duy, bước qua rào cản tập quán, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương".
Thanh niên dân tộc thiểu số chiếm 139 nghìn trong số 262 nghìn thanh niên toàn tỉnh. Tổ chức Ðoàn Thanh niên Lâm Ðồng đã thực hiện kết nối thanh niên khởi nghiệp với các doanh nhân trẻ, thành đạt; tiếp cận, tham quan nhiều doanh nghiệp có "thương hiệu", từ đó giúp các bạn có cái nhìn và hoạch định ban đầu cho chặng đường khởi nghiệp của mình. Các cấp đoàn, hội trong tỉnh duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ "Thanh niên khởi nghiệp"; các nhóm, câu lạc bộ giúp nhau làm ăn tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động khá hiệu quả…
(Còn nữa)
Bài và ảnh: NHÓM PVTT TÂY NGUYÊN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm