Sau khi lập gia đình, năm 2012, anh Tý (làng Ktu) được bố mẹ cho hơn 5 sào đất để phát triển sản xuất. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh đã vay vốn đầu tư trồng cà phê xen canh chanh dây và các loại rau màu. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi bò để tận dụng nguồn phân bón chăm sóc cây trồng. Nhờ vậy, vợ chồng anh thu về 200-250 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ ở địa phương. Đặc biệt, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn xã Kon Gang, anh Tý thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp.
Anh chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, tôi nhận ra việc xen canh các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, tôi đã tuyên truyền, vận động các ĐVTN cùng làm theo”.
Anh Tý (bên trái) có thu nhập 200-250 triệu đồng/năm từ trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: N.H |
Tương tự, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên anh Quư (cùng làng Ktu) cũng đã cải thiện thu nhập. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây, anh Quư cho biết: Gia đình anh có 1,5 ha đất sản xuất. Trước đó, anh trồng bời lời nhưng giá cả bấp bênh nên thu nhập thấp. Năm 2015, sau khi tham gia các buổi tập huấn, tư vấn khởi nghiệp, anh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích bời lời sang trồng cà phê, hồ tiêu kết hợp xen canh các loại cây ăn quả và chăn nuôi heo, bò. Để mở rộng sản xuất, anh mua thêm đất trồng cà phê và rau màu. Đến nay, anh đã có 2,2 ha cà phê, gần 900 trụ hồ tiêu, trên 2 sào rau màu, 2 sào chanh dây, 125 cây sầu riêng. Anh chia sẻ: “Đối với mỗi loại cây trồng, tôi đều học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào chăm sóc. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nên giá bán ổn định. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi tích lũy hơn 320 triệu đồng”.
Tại làng Kop, gia đình anh Nguyễn Hiếu Đạo cũng là điển hình làm kinh tế giỏi nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Năm 2017, gia đình tôi chuyển toàn bộ 1,5 ha cà phê sang trồng tre lấy măng. Giống tre Đài Loan phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng, chỉ cần chăm tưới nước, bón phân phù hợp thì năng suất hàng năm luôn ổn định, mỗi năm cho thu 34-35 tấn măng tươi”-anh Đạo cho hay.
Gia đình anh Đạo chế biến măng tươi thành sản phẩm măng giòn để cung cấp ra thị trường. Ảnh: N.H |
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, ngoài bán măng tươi, anh Đạo còn nghiên cứu chế biến các sản phẩm măng giòn, măng chua và măng khô để bán ra thị trường. Theo anh Đạo, măng tre Đài Loan có vị ngọt, giòn và dễ chế biến nên được nhiều khách hàng đặt mua. Bên cạnh các sản phẩm thu được từ vườn cây, gia đình anh còn liên kết thu mua măng tươi của 15 hộ dân trong xã để chế biến. Năm 2020, sản phẩm măng của gia đình anh đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với việc bán cây giống, măng tươi và măng thành phẩm, mỗi năm, gia đình anh lãi hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với P.V, anh Hy-Bí thư Đoàn xã Kon Gang-cho biết: 90% ĐVTN trong xã là người dân tộc thiểu số. Hàng năm, Đoàn xã đều triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp để định hướng và hỗ trợ ĐVTN trong phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, nhiều ĐVTN đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết tận dụng thế mạnh về đất đai để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất.
“Đoàn xã đã thành lập Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế để các ĐVTN hỗ trợ nhau về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất. Hiện nay, Câu lạc bộ có 16 thành viên đang phát triển các mô hình trồng cà phê, hồ tiêu, măng tre, cây ăn quả với diện tích hơn 20 ha và chăn nuôi trên 40 con bò. Thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục hỗ trợ ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm và tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài huyện, lựa chọn những mô hình phù hợp để áp dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất”-Bí thư Đoàn xã thông tin thêm.