Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thành phố Hồ Chí Minh 35 năm phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP. Hồ Chí Minh đã thay da đổi thịt. Đảng bộ nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn...
Trung tâm kinh tế
Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 0,6% diện tích và 6,6% dân số so với cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Hiện nay, thành phố đóng góp khoảng 20% GDP, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách cả nước, đứng đầu về mức bình quân GDP.
Thành phố Hồ Chí Minh-trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước. Ảnh: K.N.B
Thành phố Hồ Chí Minh-trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước. Ảnh: K.N.B
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau 20 năm đổi mới và hội nhập, đến nay thành phố có 3.141 dự án FDI được cấp giấy phép còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt gần 26 tỉ USD. Năm 2009, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài, song thành phố vẫn có thêm 410 dự án lớn, nhỏ được cấp giấy phép với số vốn 1,58 tỉ USD.
Kinh tế thành phố đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TP. Hồ Chí Minh tập trung vào 9 ngành dịch vụ có thế mạnh và lợi thế so sánh, khuyến khích phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Với thế mạnh do có Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, một hệ thống cảng biển trải dài dọc theo sông Sài Gòn, hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy, TP. Hồ Chí Minh là một cửa ngõ thông thương với quốc tế và là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của Việt Nam.
Trung tâm văn hóa- du lịch
Có thể nói, Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển: Có nền văn hóa mang dấu ấn của người Việt Nam, Hoa, Chăm, Khơme, Ấn… Rồi Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Đó là: Bến Nhà Rồng, Bưu điện, Nhà hát lớn, đền Quốc tổ, trụ sở UBND thành phố, dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành…, hệ thống các ngôi chùa cổ như: Chùa Giác Lâm, chùa bà Thiên hậu, Tổ Đình Giác Viên…; các nhà thờ cổ như: Nhà thờ Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Thủ Đức…; là sự đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng với hàng chục lễ hội văn hóa hàng năm đã tạo nên tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của mảnh đất phương Nam này.
Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm du lịch lớn của cả nước với những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử. Mỗi năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế tới tham quan. Thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn du khách không chỉ vì có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc cổ mà còn thu hút du khách bởi văn hóa ẩm thực mang đậm nét Nam bộ. Hơn nữa, thành phố còn là cửa ngõ đưa du khách đến với những địa danh nổi tiếng của cả khu vực phía Nam như: Vùng nước nóng thiên nhiên Bình Châu, rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên, vùng biển Mũi Né, vùng ven biển Hà Tiên, Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long.
Kể từ năm 1990 trở lại đây, doanh thu du lịch của thành phố luôn chiếm từ 28% đến 35% doanh thu du lịch của cả nước.
Vương Lê
                                                    

Có thể bạn quan tâm