Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 đến hết tháng 9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến nay, theo thống kê có 53% tổ dân phố tại TP.HCM là vùng xanh; tỷ lệ các ca dương tính giảm rõ rệt qua các đợt xét nghiệm 1, 2, 3; tỷ lệ vùng xanh đang mở rộng.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố, (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)



Ngày 13/9, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, cho biết, căn cứ vào các mục tiêu của Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ, các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 30/9.

Cần thêm thời gian để kiểm soát dịch

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cần thêm thời gian để củng cố các kết quả đã đạt được.

Kể từ khi tăng cường các biện pháp phòng, chính dịch COVID-19 từ ngày 23/8 đến nay, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, điển hình như: hiệu quả giãn cách khi tỷ lệ vùng đỏ được thu hẹp, mở rộng vùng xanh.

Đến nay, theo thống kê có 53% tổ dân phố là vùng xanh; tỷ lệ các ca dương tính giảm rõ rệt qua các đợt xét nghiệm 1, 2, 3; tỷ lệ vùng xanh đang mở rộng.

Công tác quản lý thu dung, điều trị có những bước tiến đáng kể, phù hợp với diễn biến dịch phức tạp của thành phố. Mô hình quản lý F0 tại cộng đồng phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch tại thành phố.

Các F0 tự cách ly tại nhà được tiếp cận thuốc, hỗ trợ y tế kịp thời, sự giúp đỡ hiệu quả của các tổ quân y, sự tăng cường các trạm y tế lưu động...

Năng lực điều trị tại các tầng 2, tầng 3 (theo tháp điều trị 3 tầng của ngành y tế thành phố), sự điều phối giữa các tầng linh hoạt,..Tất cả giúp số ca cấp cứu giảm, số ca tử vong giảm.

Đến nay tại thành phố đã có trên 6,5 triệu người mũi 1, chiếm trên 90% dân số 18 tuổi trở lên và trên 1,3 triệu tiêm mũi 2, đạt 19%. Độ phủ vaccine là điều kiện quan trọng giúp thành phố khôi phục lại cuộc sống bình thường mới, mở rộng hoạt động kinh tế sau này.

Công tác cung ứng hàng hóa từng bước được cải thiện khi một số siêu thị được hoạt động trở lại, các shipper, các dịch vụ thương mại điện tử, ăn uống mang về…phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân

So với các mục tiêu của Nghị quyết 86/NG-CP của Chính phủ và tiêu chí của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt được một số tiêu chí, Thành phố cần thêm thời gian chuẩn bị để từng bước nới lỏng, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội để hài hòa với an toàn phòng chống dịch.

Một số quận huyên có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như Cần Giờ, Củ Chi, Phú Nhuận, Nhà Bè, Quận 5, Quận 7, Quận 11… có thể nới lỏng hơn một chút so với Chỉ thị 16/CT-TTg, có thể là “Chỉ thị 16 -” (trừ)  hoặc “Chỉ thị 15 +” (cộng).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện một số biện pháp sau: phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao nhất có thể.

Đối với các loại vaccine có khuyến nghị thời gian giữa hai mũi là 8-12 tuần, thì thành phố sẽ nghiên cứu rút ngắn thời gian chờ để đẩy nhanh tiêm phủ vaccine. Thứ hai là tập trung củng cố năng lực điều trị của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, thành phố cũng tập trung cho kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9. Trong tuần này thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau tháng 9 để lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân… từ đó đưa kế hoạch vào thực hiện một cách hiệu quả.

Cùng với việc này, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng thí điểm hoạt động các dịch vụ một cách an toàn như: sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, các dịch vụ giao hàng, vận tải, ngân hàng, viễn thông, chứng khoán… trước mắt đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đồng thời có các kinh nghiệm để vận hành, bổ sung hoàn thiện hơn kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau tháng 9.

Tập trung hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, ông Phan Văn Mãi khẳng định: “Khi thành phố thực hiện giãn cách kéo dài, vấn đề an sinh cho người dân rất quan trọng. Như Thủ tướng đã nói 'ai ở đâu ở yên đó' thì phải đảm bảo an sinh, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, đây là mục tiêu nhưng cũng là mệnh lệnh”.


 

Đường Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé, Quận 1 chào mừng Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Đường Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé, Quận 1 chào mừng Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)


Theo ông Phan Văn Mãi, sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát, các gói hỗ trợ ban đầu vừa hỗ trợ xong thì số lượng phát sinh lên rất nhiều, thời gian giãn cách lâu số lượng sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân chủ quan từ các cấp chính quyền, cơ sở khi rà soát chưa đầy đủ, sai đối tượng. Đây là khuyết điểm của chính quyền thành phố và đã có đôn đốc, xử lý các trường hợp vi phạm.

Để điều chỉnh những thiếu sót, thành phố tính toán triển khai các gói mới. Hiện thành phố khẩn trương rà soát những trương hợp khó khăn để có danh sách tương đối đầy đủ để hỗ trợ.

Đến chiều 12/9, thành phố đã nhận được danh sách 312 xã, phường, thị trấn. Danh sách này sẽ được rà soát, tổng hợp đầy đủ nhất để không ai bị sót. Nếu đúng người được hỗ trợ mà sót thành phố sẽ bổ sung.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, vừa qua thành phố đã cấp 14.000 tấn gạo đợt 1 đến người dân. Địa phương cũng cung cấp gói an sinh, đến giờ này cấp 1,8 triệu túi an sinh.

Theo thống kê, gói hỗ trợ đợt 1 và 2 có tổng kinh phí gần 6.500 tỷ đồng, dự kiến mức hỗ trợ gói thứ 3 trong thời gian tới là khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đây là số lượng kinh phí rất lớn nhưng Thành phố Hồ Chí Minh phải làm để trỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn cùng Thành phố vượt qua giãn cách.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tập hợp các kiến nghi, làm việc với doanh nghiệp đề đề xuất với Trung ương các chính sách thuế, tín dụng.

Hiện thành phố đang có các gói kích cầu để kích cầu sản xuất, đào tạo lao động, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ….

Chính sách nào của thành phố thì thành phố sẽ sớm ban hành, còn chính sách nào liên quan Trung ương thì thành phố sẽ tập hợp để gửi Trung ương. Trong thời gian gần đây, Thủ tướng liên tục có những cuộc làm việc với doanh nghiệp để đưa ra những quyết sách phù hợp.

Không phải có “thẻ xanh” là không cần xét nghiệm

Thông tin thêm về các tiêu chí còn chưa đạt của thành phố trong xác định kiểm soát dịch hiện nay,  ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, theo tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế, số ca mắc mới mỗi ngày là tiêu chí mà ở thời điểm này Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt được cho tới ngày 15/9. Số ca mắc mới trong ngày dao động từ 5.000 đến 6.000 ca, đang đi ngang và chưa giảm.


 

Người đi giao hàng cho các hộ dân theo khung giờ khu vực đường Đình Phong Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)
Người đi giao hàng cho các hộ dân theo khung giờ khu vực đường Đình Phong Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)


Đối với các tiêu chí của thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa đạt được nhưng đang có tiến triển khả quan. Trong 3 tuần gần đây tỷ lệ ca tử vong đã giảm liên tục.

Về mô hình “thẻ xanh” - chỉ người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine được tham gia một số hoạt động, ông Tăng Chí Thượng cho biết, không phải có “thẻ xanh” là không phải xét nghiệm.

Người được tiêm đầy đủ vaccine là bản thân người đấy có kháng thể bảo vệ nhưng người đó vẫn có thể mang virus trong người và trở thành người lây bệnh cho người khác. Người có “thẻ xanh” phải tiếp tục phải tuân thủ các biện pháp 5K và phải xét nghiệm khi cần thiết.

Liên quan đến nội dung “thẻ xanh,” ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, cho biết thêm, tiêu chí công nhận “thẻ xanh” cho người dân được quy định bởi Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố như dữ liệu về các mũi tiêm vaccine, các kết quả xét nghiệm…

Trong thời gian tới, sở đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai mô hình “thẻ xanh”. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu để sớm có ứng dụng (app) duy nhất, có tích hợp đầy đủ các dữ liệu như tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm, mã QR để khai báo y tế…

Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động được giải pháp này và đã báo cáo với Trung ương để được triển khai. Khi được chấp thuận, thành phố sẽ thí điểm triển khai tại 3 địa phương là Cần Giờ, Củ Chi và Quận 7.

Sau khi mở rộng thêm các vùng xanh thì thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Theo Thành Chung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm