Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thanh tra Chính phủ vạch hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Vinashin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc lập và sử dụng các chứng từ, tài liệu rút vốn 4.190 tỷ đồng về gửi ngân hàng, Thanh tra Chính phủ kết luận: Chủ tịch HĐTV Vinashin Nguyễn Ngọc Sự ký Nghị quyết số 233/NQ-CNT ngày 21/11/2011 phê duyệt chủ trương hỗ trợ vốn hoàn thành các sản phẩm kế hoạch năm 2012, Tổng giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến ký các Quyết định hỗ trợ vốn cho các tàu bàn giao năm 2012 không đúng quy định.
Ngày 22/1, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 121/TB-TTCP về việc kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho Vinashin tái cơ cấu​.
Ký các văn bản không đúng quy định
Theo đó, thông báo kết luận nêu rõ: Vinashin xây dựng phương án sử dụng vốn có nhiều nội dung thiếu căn cứ, không phù hợp nguyên tắc sử dụng vốn tạm ứng, một số tàu được hỗ trợ từ ngồn 4.190 tỷ đồng nhưng không triển khai.
Cụ thể, nhiều số liệu đưa vào để xác định nhu cầu hỗ trợ vốn và tính toán hiệu quả không có cơ sở, không sát với thực tế, như về tổng dự toán; số vốn các đơn vị có thể thu xếp được từ nguồn chủ tàu, vay từ ngân hàng; về giá bán dự kiến, giá trị thanh lý), dẫn đến quá trình thực hiện phải nhiều lần phê duyệt điều chỉnh, bổ sung. 
Vinashin đề xuất, được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xác nhận sử dụng nguồn vốn 4.190 hỗ trợ cho 43 tàu (24 tàu dự kiến bàn sao năm 2011 và 19 tàu dự kiến bàn giao năm 2012), nhưng thực tế Vinashin sử dụng vốn 4.190 hỗ trợ cho 32 tàu, trong đó 30 tàu trong Danh sách các tàu được Bộ GTVT xác nhận, 2 tàu ngoài danh sách và tự điều chỉnh tăng, giảm (không kê hỗ trợ đóng 9 tàu cá mẫu).
 
Nguyễn Ngọc Sự và 3 đồng phạm tại phiên sơ thẩm hồi tháng 6/2019. (Ảnh tư liệu)
Đồng thời, liên tục thay đổi đề xuất các phương án hỗ trợ nhưng không có lý do; tuy Vinashin báo cáo, đề xuất sẽ đàm phán với các tổ chức tín dụng để giải chấp và được ưu tiên thu hồi toàn bộ số vốn hỗ trợ hoàn thiện các tàu nhưng thực tế không thực hiện trước khi hỗ trợ; không đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn hỗ trợ theo Quyết định số 1394/QĐ-TTa của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc lập và sử dụng các chứng từ, tài liệu rút vốn 4.190 tỷ đồng về gửi ngân hàng: Chủ tịch HĐTV Vinashin ký Nghị quyết số 233/NQ-CNT ngày 21/11/2011 phê duyệt chủ trương hỗ trợ vốn hoàn thành các sản phẩm kế hoạch năm 2012, Tổng giám đốc Vinashin ký các Quyết định hỗ trợ vốn cho các tàu bàn giao năm 2012 không đúng quy định (không có hồ sơ trình, không có Biên bản họp HĐTV và/hoặc Phiếu xin ý kiến các thành viên HĐTV), ký nhưng không gửi cho các bộ phận thực hiện và các đơn vị được hỗ trợ vốn; 
Vinashin đã sử dụng các tài liệu này cùng với bản danh sách các tàu dở dang được bộ GTVT xác nhận để làm cơ sở giải ngân 3.075,679 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước. Sau đó gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng, thu lãi.
Đáng chú ý là, theo Quyết định của Thủ tướng, nguồn tạm ứng 4.190 tỷ đồng để Vinashin tập trung phục vụ ngành nghề sản xuất kinh doanh chính và hoàn thành các hợp đồng đóng tàu dở dang nhưng khi tiếp nhận với vốn 4.190 tỷ đồng Vinashin đã sử dụng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trong khi chưa được Thủ tướng cho phép.
Đến ngày 30/6/2018 còn dư 1.748,957 tỷ đồng tại Oceanbank, khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg thì SBIC không thu hồi được khoản tiền 1.050,4 tỷ đồng để nộp về bộ Tài chính. Có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn. Một số cá nhân của Vinashin đã chiếm đoạt khoản tiền của Oceanbank chi lãi suất ngoài hợp đồng, vi phạm pháp luật, hiện đang được cơ quan tố tụng xử lý.
"Trách nhiệm thuộc về các ông: Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐQT/HĐTV Vinashin; Trương Văn Tuyến - Tổng giám đốc; Phạm Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc; Trần Đức Chính- Trưởng ban Tài chính kế toán"- thông báo nêu rõ.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, Vinashin có ký hợp đồng với các ngân hàng thương mại để thực hiện kiểm soát sử dụng nguồn vỗn hỗ trợ 4.190 tỷ đồng nhưng có nhiều nội dung không chặt chẽ, không cụ thể, làm giảm trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việ kiểm soát chi.
Đồng thời, Vinashin/SBIC thực hiện việc điều chỉnh các hạng mục dự toán hoàn thiện tàu khi chưa có phê duyệt. Thực tế, việc kiểm soát chi của ngân hàng thương mại không đáp ứng được các yêu cầu mục đích thanh toán phù hợp với dự toán hoàn thiện tàu đã được Vinashin phê duyệt.
Vinashin và Tổng công ty Nam Triệu sử dụng vốn không đúng 
Đối với việc chi hỗ trợ hoàn thiện các tàu dở dang, Thanh tra Chính phủ xác định, trước và trong quá trình giải ngân, Vinashin và các đơn vị thành viên không xây dựng phương án hoàn trả vốn, thời điển hoàn trả vốn để đảm bảo hoàn trả đủ vốn theo nguyên tắc đã nêu tại Văn bản số 1194/VPCP-KTTH và Văn bản số 523/BTC-TCDN;
 
Vinashin từng một thời là tập đoàn lớn nhất trong các tập đoàn nhà nước, với các tàu đóng mới liên tục được hạ thủy. (Ảnh: I.T)
Vinashin và Tổng công ty CNTT Nam Triệu (Nam Triệu) đã sử dụng vốn không đúng phương án hỗ trợ đối với tàu 260TEU số 1: Theo phương án hỗ trợ do Nam Triệu trình, đã được Vinashin chấp thuận hoàn thiện tàu với số tiền 11,788 tỷ đồng, thực tế Vinashin giải ngân để Nam Triệu hỗ trợ Nhà máy đóng tàu Nhật Lệ thanh toán nợ cho Ngân hàng VPBank Quảng Bình;
Công ty Nam Triệu sau khi hoàn thiện tòa 260 TEU số 1 và số 2, đã bàn giao tàu để khai thác có doanh thu nhưng đến nay chưa hoàn trả co ngồn 4.190 tỷ đồng;
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, SBIC đã phê duyệt hỗ trợ Công ty Bạch Đằng từ nguồn vốn 4.190 trả nợ cho VietinBank 80,876 tỷ đồng, thực tế sau đó Vinashin không dùng nguồn 4.190 mà dùng nguồn vốn từ chủ tàu để trả nợ, cho thấy việc chỉ đạo của Bộ GTVT và phê duyệt của SBIC là không đúng.
Về việc chi hỗ trợ đóng 9 tàu cá mẫu vỏ thép, số tiền 59,045 tỷ đồng: SBIC không thực hiện đúng Quyết định số 1394/QĐ-TTg của Thủ tướng, khó thu hồi được đầy đủ số tiền đã hỗ trợ.
Về việc hỗ trợ nộp thuế: Vinashin có phương án sử dụng nguồn 2.200 tỷ đồng để hỗ trợ các đơn vị nộp thuế, thực tế đã sử dụng 459,266 tỷ đồng từ nguồn 4.190 tỷ đồng là sử dụng sai nguồn. SBIC chưa kịp thời kiểm tra, giám sát để các đơn vị thành viên chậm nộp thuế và khi nhận được tiền hoàn thuế không chuyển trả ngay Vinashin/SBIC mà gửi ngân hàng để thu lãi hoặc giữ lại dùng cho việc khác. Không hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong sử dụng và thu hồi vốn; không có phương án chi tiết hoàn trả vốn hỗ trợ nộp thuế theo như cam kết tình hình tài chính các các đơn vị đều rất khó khăn, không có nguồn hoàn trả. Do đó, khó có khả năng thu hồi số tiền hỗ trợ nộp thuế còn nợ là 414,148 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, Vinashin/SBIC chưa thực hiện quyết toán việc sử dụng vốn cho các dự án hoàn thiện tàu như hướng dẫn tại Văn bản số 523/BTC-TCDN của bộ Tài chính.
Đáng chú ý, một số khoản hỗ trợ hoàn thiện tàu dở dang nhằm giảm lỗ, giảm nhiều thiệt hại nhưng không thu hồi được nguồn tiền tạm ứng, gây thiệt hại lớn hơn so với không đầu tư thêm. Chẳng hạn, tàu 700TEU-NT29 của Công ty Nam Triệu gây thiệt hại số tie 151,76 tỷ đồng cần phải được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiều 14/10/2019, chấp nhận kháng nghị của VKSND, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) 16 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Mức án này cao hơn 3 năm so với bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội công bố hồi tháng 6/2019.
Liên quan vụ án, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng Vinashin), Trương Văn Tuyến (cựu Tổng giám đốc Vinashin).
Theo đó, HĐXX tuyên Chính 15 năm tù (giảm 1 năm); Tuyến 6 năm tù (giảm 1 năm) so với án sơ thẩm.
Riêng bị cáo Phạm Thanh Sơn (cựu Phó tổng giám đốc Vinashin) y án sơ thẩm 6 năm tù về cùng tội danh trên.
Về dân sự, TAND Cấp cao đồng ý với kháng nghị của VKS về việc tịch thu 105 tỷ đồng lãi ngoài mà Ocenbank đã chi cho các bị cáo. Khoản tiền này sẽ sung công quỹ Nhà nước.
Theo bản án, năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chi 2.200 tỷ đồng để tái cơ cấu Vinashin. Sau đó, Chính phủ tiếp tục tạm ứng gần 4.200 tỷ đồng cho Vinashin phục vụ việc sản xuất, kinh doanh.
Sau khi nhận được tiền, ông Nguyễn Ngọc Sự đã đề ra chủ trương để gửi tiền vào nhà băng của Hà Văn Thắm nhằm hưởng lãi ngoài.
HĐXX xác định 4 cựu sếp Vinashin đã cấu kết chặt chẽ, cùng bàn bạc và thống nhất để chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng lãi ngoài hợp đồng của Oceanbank.
Ông Nguyễn Ngọc Sự và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại lớn cho ngân sách. 4 bị cáo đều có trình độ, chuyên môn và nhận thức pháp luật đầy đủ nhưng vẫn chiếm đoạt tiền nhằm tư lợi cá nhân.
HĐXX quy buộc Nguyễn Ngọc Sự đã chiếm hưởng hơn 8 tỷ đồng; Trương Văn Tuyến chiếm đoạt 3,5 tỷ; Phạm Thanh Sơn hưởng 1,2 tỷ đồng; Trần Đức Chính chiếm hưởng 10 tỷ đồng.

Quá trình điều tra và xét xử, Nguyễn Ngọc Sự và Trương Văn Tuyến đã hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt.

Thành An (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm