(GLO)- Ngày 20-4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị,Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trịnh Đình Dũng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: M.N |
Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu nhận định, lĩnh vực đầu tư xây dựng hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan cần được tháo gỡ; những khó khăn vướng mắc này làm cho hiệu quả đầu tư công còn hạn chế, năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng thêm không đạt yêu cầu đề ra.
Cụ thể, quy định về vốn giữa các luật chưa thống nhất, gây khó khăn cho người thực hiện; kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm; thời gian chuẩn bị đầu tư tính đến thời điểm khởi công của dự án sử dụng vốn công thường kéo dài, đặc biệt là dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp; tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài; thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài; một số công chức, viên chức còn gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…
Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài. Theo thống kê, năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án so với năm 2015…
Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực tế vẫn còn hiện tượng thất thoát nhiều trong đầu tư xây dựng và điều này cần phải được chấn chỉnh. Ảnh: M.N |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực tế vẫn còn hiện tượng thất thoát nhiều trong đầu tư xây dựng và điều này phải được chấn chỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan chức năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khiến một số dự án sử dụng vốn đầu tư công quy mô lớn bị dừng, giãn tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và minh bạch hóa các thủ tục hành chính và phương thức xử lý thủ tục hành chính, từ đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
“Chúng ta cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng xây dựng giải ngân vốn đầu tư công trung hạn trong năm 2018. Bởi hiện nay vần còn có hơn 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn với nhiều thủ tục rất rườm rà, dẫn tới chồng chéo trong công tác quản lý, đây là những rào cản lớn nhất trong đầu tư xây dựng buộc chúng ta phải tháo gỡ”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Minh Nguyễn