Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Thắp ánh sáng tri thức từ lớp xóa mù chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Niềm khao khát biết chữ đã thôi thúc nhiều học viên đến lớp xóa mù chữ dù không có tên trong danh sách. Đó là câu chuyện ở lớp học đêm tại xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Chuyện của những người mẹ mù chữ

Con đường đèo dốc, quanh co dẫn vào làng Pral Sơmei (xã Đak Sơ Mei) trong màn đêm đặc quánh. Thế nhưng mỗi khi đêm xuống, những người thầy của Trường Tiểu học Đak Sơ Mei vẫn vượt hàng chục km để vào làng duy trì lớp học xóa mù chữ cho bà con.

Lớp học xóa mù chữ tại điểm làng Pral Sơmei. Ảnh: H.N

Lớp học xóa mù chữ tại điểm làng Pral Sơmei. Ảnh: H.N

Lớp xóa mù chữ có 65 học viên được bố trí ngay trong khuôn viên nhà thờ Đe Sơmei với đầy đủ bàn ghế, ánh sáng. 19 giờ, các học viên đã có mặt đông đủ. Chị Ybrơh nắn nót viết tên mình vào sổ tay của chúng tôi với nụ cười bẽn lẽn.

Chị kể: “Vừa rồi, mình bị đau phải đi bệnh viện, bác sĩ đưa tờ giấy nói tới phòng siêu âm. Hỏi đường tới chỗ đó rồi nhưng do không biết chữ nên mình rất lúng túng và xấu hổ. Từ lúc đó, mình khao khát biết đọc chữ, biết viết như mọi người”.

Cũng theo chị Ybrơh, dù không có tên trong danh sách nhưng khi biết có lớp xóa mù chữ tại làng, chị đã tới lớp học ngay.

Chị Hđâm cũng có niềm vui tương tự khi đã là mẹ của 4 đứa con. Chị gặp không biết bao nhiêu rắc rối, khó khăn do không biết chữ. “Mấy lần đi làm khai sinh cho con, người ta nói viết tên nhưng không biết chữ nên đành chịu. Mình dùng điện thoại di động cũng chỉ biết nghe-gọi. Có lần cô giáo nhắn tin mời họp phụ huynh nhưng do không đọc được tin, mình đã không đi, con về khóc bắt đền. Đợt vừa rồi trong làng có người muốn đi học lấy bằng lái xe ô tô, nhưng không biết chữ nên đành thôi”-chị Hđâm chia sẻ.

Chính những khó khăn, bất tiện do không biết chữ đã thôi thúc nhiều người tìm đến lớp học. Nhiều chị địu cả con nhỏ tới lớp. Có cả những người chồng theo vợ đến lớp để trông con cho vợ học. Suốt 3 tuần qua từ khi vợ đi học, không đêm nào anh Nĩu vắng mặt.

Anh cho biết: “Vợ chồng mình có 4 đứa con, đứa nhỏ nhất mới được vài tháng hay quấy khóc và đòi mẹ. Mình phải vừa động viên vợ đi học, vừa đi theo trông con để vợ yên tâm học chữ. Mình chỉ mong vợ biết chữ để đi họp hành, làm giấy khai sinh cho con, đưa con đi khám bệnh biết ký tên, viết tên con mà không cần phải gọi mình”.

Học viên địu con nhỏ đến lớp học xóa mù chữ. Ảnh: H.N

Học viên địu con nhỏ đến lớp học xóa mù chữ. Ảnh: H.N

Thắp lên ánh sáng tri thức

Lớp học xóa mù ở làng Pral Sơmei do thầy Ưuh và thầy Đỗ Hữu Quảng phụ trách. Thầy Quảng công tác ở Trường Tiểu học Đak Sơ Mei. Ban đêm, thầy tham gia xóa mù chữ ở Pral Sơmei. Từ trường vào tới làng là 12 km đường núi đi lại khó khăn, ban đêm càng vất vả.

Học viên đa số là người lớn tuổi, lao động thô sơ, nặng nhọc nên ngón tay không còn linh hoạt. Việc cầm bút với họ còn khó hơn cầm cuốc, cầm rựa. Do lóng ngóng vụng về, nhiều người có tâm lý mặc cảm, xấu hổ. Học viên nữ lại có con nhỏ, ban ngày làm rẫy, làm việc nhà, còn vất vả chăm con.

Thầy Quảng tâm sự: “Để các học viên kiên trì theo đuổi con chữ, chúng tôi thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình, những khó khăn họ gặp phải. Trên hết, chúng tôi giúp họ nhận thức lợi ích của việc học, biết cái chữ sẽ giúp ích cho cuộc sống như thế nào.

Từ những lợi ích nhỏ nhất, thực tế nhất trong cuộc sống hàng ngày như biết tính toán làm ăn, đọc sách báo để tiếp cận thông tin, làm thủ tục giấy tờ cần thiết... Đó đều là những vấn đề thiết thực đối với cuộc sống của họ”.

Niềm vui học chữ. Ảnh: H.N

Niềm vui học chữ. Ảnh: H.N

Thầy Nguyễn Xuân Luân-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đak Sơ Mei: Trường đăng ký mở 2 lớp xóa mù chữ với 60 học viên, 1 lớp tại trường chính, 1 lớp ở làng Pral Sơmei. Hiện tại, học viên đã tăng lên 110 người. 4 cán bộ, giáo viên của nhà trường đảm nhận dạy 2 lớp từ thứ hai đến thứ sáu. Tỷ lệ học viên chuyên cần đạt trên 97%, độ tuổi từ 25 trở lên, có học viên ngoài 60 tuổi vẫn đăng ký theo học.

…Chúng tôi rời làng Pral Sơmei khi đã gần 21 giờ. Ánh sáng mờ tỏ lớp học xóa mù chữ xa dần sau kính chiếu hậu. Không ai bảo ai, tất cả đều hướng sự chú ý vào tài xế tập trung thao tác ô tô qua những khúc cua tay áo trong màn đêm đặc quánh. Chỉ cần trải nghiệm cung đường, chúng tôi đủ hiểu niềm khao khát biết chữ của bà con Bahnar vùng sâu và sự nhiệt huyết cùng những cống hiến thầm lặng của những người thầy nơi đây.

Có thể bạn quan tâm