Kinh tế

Nông nghiệp

Thấp thỏm vì giá dưa hấu thất thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có hơn 1.400 ha dưa hấu, trong đó, thị xã Ayun Pa 60 ha, huyện Ia Pa 350 ha, huyện Krông Pa hơn 1.000 ha, chủ yếu người từ tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng. Giá dưa hiện có cao hơn trước Tết nhưng lại giảm so với những ngày đầu năm do sức tiêu thụ không nhiều, chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Giá cả bấp bênh

Hơn 1 tháng trước Tết Nhâm Dần 2022, giá dưa hấu giảm còn 1.000-2.000 đồng/kg khiến người trồng dưa nhiều nơi lao đao. Tại khu vực Đông Nam tỉnh, dưa trồng từ đầu tháng 11 đến 12-2021 nên chủ yếu thu hoạch trong và sau Tết. Ngay khi Trung Quốc mở cửa khẩu nhập nông sản trở lại, cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết, giá dưa hấu tăng lên mức 8.000 đồng/kg. Thương lái ồ ạt thu mua, nhiều chủ dưa bán khoán cả diện tích với giá 35-38 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá dưa lại tiếp tục giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg. Một số diện tích thương lái đã đặt cọc trước đó, giờ quay lại cò kè bớt giá. Những diện tích trồng sau, chủ dưa thấp thỏm như ngồi trên đống lửa.

So với những ngày Tết, giá dưa hấu hiện đã giảm một nửa khiến người trồng không khỏi lo lắng. Ảnh: Vũ Chi
So với những ngày Tết, giá dưa hấu hiện đã giảm một nửa khiến người trồng không khỏi lo lắng. Ảnh: Vũ Chi


Ông Nguyễn Tấn Lực (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lên xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) thuê đất trồng dưa từ đầu tháng 11-2021. Sau gần 3 tháng miệt mài chăm sóc, thời điểm Tết Nguyên đán cũng là lúc dưa đến kỳ thu hoạch. Ông Lực không thể vui hơn khi chỉ trước đó ít ngày dưa rẻ như cho thì những ngày Tết giá tăng trở lại. “Do giá phân bón tăng, bình quân mỗi ha dưa tôi đầu tư hết 170 triệu đồng. Thương lái đến tận ruộng hỏi mua với giá 35 triệu đồng/sào. Đúng kỳ dưa chín nên tôi bán luôn. Mừng quá! Với 2 ha dưa, trừ tiền thuê đất, gia đình lãi 300 triệu đồng”.

Trồng muộn hơn 1 tuần nên ngày 12-2 vừa qua, 1,5 ha dưa của bà Trần Thị Hòa (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) trên cánh đồng xã Ia Tul (huyện Ia Pa) được thương lái chốt giá 22 triệu đồng/sào. Tuy vẫn có lãi nhưng so với giá dưa trước đó 1 tuần, bà mất hơn 10 triệu đồng/sào. “Dưa hấu bán sớm không được mà để thêm thì bỏ đi. Vì vậy, những ngày trong Tết, mặc dù giá dưa tăng cao nhưng tôi đành ngồi nhìn. Bây giờ, giá giảm cũng phải bán. Đến lúc tính tiền, thương lái lại năn nỉ bớt thêm 20 triệu đồng. Tiếc lắm nhưng có lời chút là vui rồi. Đầu vụ thì bị ngập úng, phải trồng lại khiến vốn đầu tư tăng cao, sau khi trừ các khoản, gia đình lãi 50 triệu đồng/ha”-bà Hòa cho hay.

Bà Nguyễn Thị Lợi-thương lái thu mua dưa hấu cho biết: Chúng tôi cũng như người dân đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường. Trước Tết, Trung Quốc đột ngột đóng cửa khẩu khiến nông sản ùn ứ, thối rữa. Khi cửa khẩu thông thương trở lại thì giá dưa tăng vọt. Tuy nhiên sau đó, Trung Quốc giới hạn số lượng nhập nông sản khiến giá dưa chững lại và giảm nhanh. Thương lái lỡ đặt cọc tiền trước cho chủ ruộng thì đành chấp nhận thua lỗ. Hiện nhiều chủ dưa đến thời điểm thu hoạch gọi điện nhưng tôi không dám mạo hiểm, bởi số cũ phải xuất đi hết mới dám mua vào.

Thấp thỏm chờ thu hoạch

Khu vực Đông Nam tỉnh hiện có hơn 1.400 ha dưa hấu, trong đó, thị xã Ayun Pa 60 ha, huyện Ia Pa 350 ha, huyện Krông Pa hơn 1.000 ha, chủ yếu người từ tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng. Trong khi thị xã Ayun Pa đã thu hoạch toàn bộ diện tích dưa hấu thì huyện Ia Pa mới thu hoạch được 50%. Tại huyện Krông Pa, khoảng nửa tháng nữa bà con mới thu hoạch đại trà. Giá cả bấp bênh khiến người trồng dưa chưa được thu hoạch như ngồi trên đống lửa. “Thắng thua ăn nhau lúc thu hoạch”, vì vậy, với họ, chỉ khi nào dưa chất lên xe, tiền vào túi thì mới tính toán lỗ lãi. Ngày nào dưa còn trên ruộng thì ngày đó chủ vườn còn thấp thỏm lo âu.

Ông Phạm Văn Bảo (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) trồng 3 ha dưa tại cánh đồng xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Hơn 2 tháng kể từ ngày trồng, vợ chồng ông đều ăn ở nơi góc ruộng. Trời nóng như đổ lửa nhưng vẫn còn hơn những ngày mưa tầm tã, người và dụng cụ ướt sũng. 27 năm trồng dưa, gần 10 năm gắn bó với mảnh đất Krông Pa, được có, mất có nhưng ông bà chẳng thể bỏ nghề gắn bó gần nửa cuộc đời. Nhờ nó mà ông bà có đồng ra đồng vào nuôi con cái ăn học, xây nhà. Theo ông Bảo, nghề trồng dưa rong ruổi quanh năm, hết tỉnh này lại sang tỉnh khác trồng tiếp. Trồng dưa vất vả nhất là lúc ghim dây, chọn quả. Trung bình mỗi gốc dưa để 3 dây nhưng chỉ chọn lấy 2 quả để đảm bảo quả phát triển tốt.

 Người trồng dưa hấu thấp thỏm vì giá cả thất thường. Ảnh: Vũ Chi
Người trồng dưa hấu thấp thỏm vì giá cả thất thường. Ảnh: Vũ Chi



“2 ha dưa hấu của gia đình cuối tháng này sẽ cho thu hoạch, dự kiến năng suất đạt 45-50 tấn/ha. Giá dưa giảm so với những ngày đầu năm nên tôi rất lo lắng. Mặc dù đã gọi điện trước cho bạn hàng quen biết nhưng họ đều tỏ ra không mấy mặn mà. Vụ này, giá vật tư tăng. Hy vọng dưa bán được giá để có chút lời, có vốn để sản xuất tiếp”-ông Bảo trầm ngâm.

Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, toàn huyện có khoảng 350 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu tại xã Ia Ma Rơn và Ia Tul. Giá dưa hiện có cao hơn trước Tết nhưng lại giảm so với những ngày đầu năm do sức tiêu thụ không nhiều, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Diện tích mới thu hoạch, bà con bán với giá 20-22 triệu đồng/ha, tương ứng với mức 4.000-5.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản đầu tư, mỗi ha bà con lãi khoảng 40-50 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thì cho hay: Toàn huyện có hơn 1.000 ha dưa hấu, trong đó có khoảng 997 ha do người dân tỉnh khác đến thuê đất canh tác, nhiều nhất tại các xã Uar, Ia Mlah, Phú Cần. Hiện tại, Trung Quốc thực hiện chủ trương kiểm soát gắt gao trái cây Việt Nam về an toàn thực phẩm, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ khiến dưa hấu tiếp tục rớt giá. Thêm vào đó, bà con không liên kết chủ động đầu ra nên đến vụ thu hoạch thường bị thương lái ép giá.

“Để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, chúng tôi đã lập danh sách, địa chỉ, số điện thoại của từng chủ dưa, lưu ý bà con khi có dấu hiệu bất ổn về giá cả thì cần báo ngay với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ tiêu thụ. So với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, giá dưa hiện tại chỉ bằng 1/2. Tuy nhiên, bà con vẫn đang có lãi. Hy vọng thị trường sớm được cải thiện để người trồng dưa có thêm niềm vui thắng lợi”-ông Châu thông tin thêm.

 

VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm