Theo quy định, công tơ 1 pha kiểm định và thay thế định kỳ 5 năm/lần, công tơ 3 pha kiểm định định kỳ 2 năm/lần, các máy biến dòng và biến áp (TU, TI) là 5 năm/lần. Hiện nay, ngành điện đang tích cực triển khai thay thế các loại công tơ cũ sang công tơ điện tử nhằm đem đến những lợi ích thiết thực cho khách hàng như có thể đo các thông số tức thời, chống gian lận điện và đấu nối sai kỹ thuật, độ tin cậy cao, bảo đảm công bằng trong việc mua-bán điện, hạn chế tối đa sự nhầm lẫn trong quá trình ghi chỉ số. Bởi quá trình ghi chỉ số không phải qua bất kỳ khâu sao chép nào mà dữ liệu được truyền từ thiết bị đo xa vào máy tính để in hóa đơn.
Bà Huỳnh Thị Kim Yến (401 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ) chia sẻ: “Công tơ nhà tôi được thay mới cách đây khoảng nửa năm. Ban đầu, thấy những người mặc đồng phục áo cam tới nhà nói thay công tơ, tôi cũng khá lo lắng, sợ lừa đảo. Nhưng khi họ giải thích đây là thay công tơ cũ bằng công tơ điện tử mới và hoàn toàn miễn phí nên tôi mới an tâm. Sau một thời gian sử dụng, tôi nhận thấy, công tơ điện tử rất thuận tiện, chính xác. Ngoài ra, tôi còn có thể truy cập ứng dụng chăm sóc khách hàng để theo dõi chỉ số điện tiêu thụ của mình và chủ động sử dụng điện một cách tiết kiệm”. Đặc biệt, khi sử dụng công tơ điện tử có thể truy cập và giúp phát hiện các trường hợp rò rỉ, chạm chập điện để kịp thời phối hợp với ngành điện xử lý khắc phục.
Điện lực Pleiku thay công tơ điện tử cho khách hàng để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Ảnh: Hà Duy |
Ông Nguyễn Nguyên-Tổ trưởng Tổ Quản lý hệ thống đo đếm (Điện lực Pleiku) cho biết: Khi triển khai thay thế công tơ định kỳ, nhân viên luôn trao đổi cụ thể cho khách hàng biết về tình trạng làm việc của công tơ đo đếm trước khi tháo, điện năng tiêu thụ hàng tháng, kiểm tra sự toàn vẹn của hệ thống đo đếm điện năng, chì niêm, niêm phong, ghi nhận chỉ số công tơ tại thời điểm treo và tháo để khách hàng nắm bắt. “Chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ sử dụng điện không nên tự ý di dời hệ thống công tơ đo đếm nhằm đảm bảo an toàn cho thiết bị đo đếm cũng như sự an toàn của khách hàng. Sau khi thay thế, chúng tôi hướng dẫn thêm kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cho khách hàng, cũng như phối hợp với khách hàng kiểm tra mức độ an toàn của đường dây sau công tơ không để xảy ra tai nạn điện đáng tiếc”-ông Nguyên nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Liễu-Phó Giám đốc Điện lực Pleiku-thông tin: “Việc định kỳ thay công tơ điện tử đến niên hạn bằng một công tơ mới sẽ giúp đo đếm chính xác mức độ tiêu thụ điện năng của khách hàng. Thông qua các tính năng tích hợp sẵn trên công tơ điện tử và trên hệ thống RF-Spider, việc thu thập số liệu, truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ và tính toán hóa đơn cho khách hàng được thực hiện một cách tự động. Điều này đã loại bỏ việc ghi chỉ số hoặc nhập chỉ số công tơ trực tiếp, giảm thiểu nhầm lẫn, sai chỉ số công tơ, góp phần hạn chế xảy ra các sai sót do nguyên nhân chủ quan của con người, bảo đảm tiền điện hàng tháng của khách hàng được tính chính xác; từ đó tạo sự minh bạch, hài lòng và tin tưởng cho khách hàng”.
Điện lực Pleiku đang quản lý 86.387 công tơ các loại gồm 80.757 công tơ 1 pha và 5.630 công tơ 3 pha. Trong năm 2022, Điện lực Pleiku đã thay thế gần 29.200 công tơ. Trong quá trình thay thế định kỳ, đối với các công tơ làm việc không tin cậy, mức độ phát sóng yếu, chất lượng RF suy giảm, dữ liệu công tơ được đọc về chập chờn không ổn định… sẽ được đơn vị lập biên bản tháo thanh lý hỏng, chuyển các công tơ này về nhập kho, không để quay vòng lại lên lưới.
Theo kế hoạch, năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục thay 27.554 công tơ, trong đó, số lượng công tơ 1 pha là 24.990 công tơ và công tơ 3 pha là 2.564 công tơ. Bên cạnh đó, Điện lực Pleiku cũng tiếp tục đầu tư để hoàn thiện lưới điện trên địa bàn với tổng mức đầu tư gần 35 tỷ đồng để xây dựng mới gần 28 km đường dây 0,4 kV, cải tạo hơn 2 km đường dây 0,4 kV, xây dựng mới khoảng 7 km đường dây 22 kV và xây dựng mới 28 trạm biến áp.