Thời sự - Bình luận

Thay đổi cách nhìn về tỷ phú Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sẽ tiếp tục có nhiều chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19, qua đó chứng minh cái tâm của doanh nhân Việt Nam hôm nay. Và chúng ta cần một cái nhìn trân trọng hơn với các doanh nhân làm giàu chính đáng, có lòng với đất nước.

Hôm nay, 5/6, cả nước sẽ tổ chức một cuộc phát động rộng lớn đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19. Cuộc chiến chống đại dịch này, ngoài sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, tôi nghĩ rằng rất cần đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp lớn  với nguồn lực vật chất và trí tuệ vô cùng dồi dào.

Lịch sử nước nhà từng chứng kiến những nhà tư sản dân tộc yêu nước cống hiến không tiếc tiền của cho nhà nước non trẻ, khó khăn bộn bề và truyền thống này vẫn luôn được gìn giữ cho đến hôm nay.

Chúng ta đều biết năm 1945, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đồng bào cả nước quyên góp vào Quỹ Độc lập giúp bù đắp ngân khố quốc gia. Khi tiếp quản, ngân khố chỉ còn trên 1 triệu đồng Đông Dương nhưng là tiền rách nát.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lạng. Số tiền 20 triệu đồng Chính phủ vận động quyên góp được tương đương 50.000 lạng vàng (khoảng 1.923 kg), tổng cộng các loại vật chất khác thì được 2.293 kg hoặc 59.618 lạng vàng (theo thời giá hiện nay tương đương trên 3.420 tỉ đồng). Điểm nổi bật là phong trào "Tuần lễ Vàng" và xây dựng "Quỹ Độc Lập" đã ghi nhận sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước lúc đó, như gia đình các ông bà Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà...

Tôi còn nhớ như in một trong nhiều lần được vinh hạnh gặp cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ- quả phụ nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô lúc cụ bà còn khỏe. Gia đình cụ không chỉ ủng hộ Cách mạng giai đoạn trước và sau ngày đất nước giành Độc lập năm 1945 với 5.147 lượng vàng (tính cả giai đoạn kháng chiến chống Pháp), mà luôn luôn làm việc thiện giúp nhiều mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là trong nạn đói Ất Dậu năm 1945.

Lần đó, cụ quả phụ Trịnh Văn Bô kể với tôi rằng, phương châm kinh doanh của gia đình cụ là phải kiếm lời nhưng không được làm theo lối "bằng mọi giá" kiểu" cá lớn nuốt cá bé". "Nếu có kiếm lời được 1 đồng thì chỉ nên giữ lại 7 hào cho việc phát triển kinh doanh và cho con cháu sau này, còn lại 3 hào thì nên làm việc thiện" - cụ nói và xem đó như một phương châm xử thế bất biến trong suốt cuộc đời doanh nghiệp của gia đình.

Đó là câu chuyện từ năm 1945 của một doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, về mức độ giàu có diện nhất nước nhưng lại giàu lòng nhân ái với đồng bào, với vận mệnh quốc gia.

 

Các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hàng triệu liều vaccine cho Quỹ Vaccine Covid-19.
Các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hàng triệu liều vaccine cho Quỹ Vaccine Covid-19.



Trong thời điểm hôm nay, khi cả thế giới quay cuồng đối phó với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng rất tích cực hưởng ứng mỗi khi nhà nước phát động ủng hộ kinh phí để mua máy móc y tế, vaccine phòng dịch, bồi dưỡng những người tham gia chống dịch cũng như người bị cách ly, gặp khó khăn về tài chính.

Có những tập đoàn lớn bỏ kinh phí mua máy thở, máy xét nghiệm Covid-19, đóng góp cho Quỹ Vaccine, xây dựng bệnh viện dã chiến… Đã rất nhiều doanh nghiệp khác tích cực chung tay, nhiều, ít có thể khác nhau tuỳ lực...

Tôi tin rằng rồi sẽ tiếp tục có nhiều chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho công cuộc phòng chống đại dịch, qua đó càng chứng minh cái tâm của doanh nhân Việt Nam hôm nay. Và chúng ta cần một cái nhìn trân trọng hơn với các doanh nhân làm giàu chính đáng, có lòng với đất nước.

Khái niệm "bóc lột" giữa chủ và thợ của cả trăm năm trước đây đến giờ vẫn còn những tranh luận phải làm cho ra nhẽ.

Nhiều khi cùng một công việc như nhau, giờ làm như nhau, nhưng nếu làm cho  doanh nghiệp tư nhân thì thu nhập nhiều khi lại cao gấp 2 ,gấp 3 lần, thậm chí, nếu là chất xám quý hiếm thì gấp cả vài chục lần mức lương làm cho DNNN. Vậy DNTN họ có bóc lột không? Trả lương cao, biết cung cách làm ăn mới, lại có vốn và hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà có - điều này rất cần được xã hội ghi nhận về vai trò, động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trước sự phát triển kinh tế chung của đất nước, đúng như Đảng ta mới đây đánh giá.

Cũng từ chuyện nước mình, tôi nghĩ đến gia đình tỷ phú Bill Gates. Trước khi chia tay, ông bà Bill Gates - Melinda từng là người giàu nhất thế giới một thời. Nhưng rồi họ đã hiến một phần quan trọng tài sản để xây dựng một Quỹ từ thiện cực lớn từ năm 2000. Dù có chia tay nhau, họ vẫn thống nhất bên nhau vì sự tồn tại đầy tính nhân văn của Quỹ. Bill Gates từng tuyên bố chỉ để lại tài sản cho các con không quá 10 triệu USD/người để các con có thể tự lập, còn ông sẽ hiến tài sản cho các mục đích nhân đạo.

Người truyền cảm hứng cho Bill Gates có lối sống như vậy là vị tỷ phú Mỹ Feeney, người đã trao tặng toàn bộ tài sản 8 tỷ USD của mình thông qua Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập. Quỹ này tập trung vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế,... tại Mỹ, Úc, Nam Phi, Ireland và cả Việt Nam.

Tỷ phú Feeney trước đó cảm thấy như sự giàu có của mình bắt đầu đè bẹp cả cuộc sống gia đình. Ông trở nên thấy khó chịu với những thứ vật chất xa xỉ và quyết định ở nhà thuê để lấy đồng tiền cuối cùng cho hoạt động từ thiện... Đã đi khắp thế giới nên cũng nhìn thấy sự khốn khổ mà con người ta đang phải sống mỗi ngày, điều đó càng khiến ông trăn trở.

Thật đơn giản, thân thiện và hào hiệp biết bao trước việc làm này của các vị tỷ phú không màng đến tiền dù làm ra quá nhiều tiền.

Phải chăng, đó chính là từ học thuyết của Các Mác từ trên một trăm năm trước, khi ông thẳng thắn chỉ ra những sự bóc lột tàn bạo của xã hội tư bản mà người lao động phải chịu đựng một thời gian dài, để rồi tự giai cấp tư sản đã nhìn ra và tự họ điều chỉnh để có được một xã hội tốt đẹp hơn?

Tôi tin rằng, chính nhờ có Các Mác và học thuyết Tư bản của ông chỉ ra những tật xấu của giai cấp tư sản ngày nào mà xã hội tư bản hôm nay đã khác xưa. Nhờ vậy mà nó thích nghi hơn, phù hợp hơn để có thể tồn tại tử tế hơn, như bây giờ.

Trong bài viết gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  rất khách quan khi nhìn nhận xã hội tư bản ngày nay có nhiều thứ chúng ta nên tham khảo để học một cách sáng tạo hơn mà không nên phủ định sạch trơn.

TBT Nguyễn Phú Trọng viết: "Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước..."

Và trong cái sự tiến bộ xã hội chung ấy, có rất nhiều các tỷ phú, các doanh nhân tư nhân luôn hướng thiện và xem công việc thiện nguyện như lẽ sống, bổn phận của cuộc đời.

Thế giới  đang đứng trước một đại dịch thật kinh hoàng khi tới nay đã có trên 172 triệu người nhiễm và trên 3,7 triệu người chết do virus SARS-CoV-2. Nếu cả loài người không chung sức chung lòng dập dịch thì hiểm họa thật khôn lường.

 

https://danviet.vn/-thay-doi-cach-nhin-ve-ty-phu-viet-nam-20210605101450173.htm

Theo Quốc Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm