Thời sự - Bình luận

Thấy gì qua việc kiểm tra trực tuyến của Thủ tướng?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Liên tục trong 2 tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 có các buổi làm việc, kiểm tra trực tuyến về công tác phòng-chống dịch bệnh từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến các quận, huyện cũng như các xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Qua kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ cho rằng một số cán bộ lãnh đạo địa phương chưa nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là chưa quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của cấp trên. Do đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đây là nguyên nhân khiến giãn cách xã hội kéo dài mà chưa kiểm soát được dịch bệnh. Sau khi Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo cụ thể thông qua các buổi làm việc và kiểm tra trực tuyến, đến nay, công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam chuyển biến theo hướng tích cực, tình hình dịch bệnh tại một số địa phương bước đầu được kiềm chế.

Thủ tướng yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phải nắm thật chắc các chủ trương, biện pháp về phòng chống dịch, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả tới cấp huyện, cấp xã và tới người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phải nắm thật chắc các chủ trương, biện pháp về phòng-chống dịch, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả tới cấp huyện, cấp xã và tới người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Vì vậy, những ngày qua, dư luận cả nước đánh giá rất cao phương pháp “đi cơ sở” cũng như ý kiến chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, người dân cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể.

Theo một số chuyên gia về cải cách hành chính, các buổi làm việc, kiểm tra trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian qua đã định hình một phương pháp làm việc mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả rõ rệt.

Trước hết, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay thì phương pháp làm việc này vừa đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng dịch, vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, thông qua kết nối trực tuyến, lãnh đạo cấp trên có thể nắm bắt một cách cụ thể tình hình hoạt động ở cơ sở và ý kiến chỉ đạo của cấp trên cũng đến được với đội ngũ cán bộ cấp dưới. Ở chiều ngược lại, những đề xuất, kiến nghị của cơ sở cũng được phản ánh đến cấp vĩ mô. Bên cạnh đó, thông qua làm việc trực tuyến, hệ thống chính trị các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc một cách hiệu quả. Ngoài ra, phương pháp này cũng góp phần ngăn chặn tình trạng “trống giong, cờ mở” gây phiền hà, tốn kém cho các địa phương và hạn chế nảy sinh tiêu cực.

Không chỉ có ý nghĩa trong điều kiện dịch bệnh, mô hình hội nghị, làm việc và kiểm tra trực tuyến cũng rất phù hợp với mục tiêu nước ta đang hướng tới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là: Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.  

Rút kinh nghiệm từ các buổi làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ, chiều 16-9, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để nắm tình hình và quán triệt, triển khai nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Ngoài các điểm cầu cấp huyện, hội nghị còn kết nối trực tuyến với các điểm cầu ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên Thường trực Tỉnh ủy họp trực tuyến với cấp xã. Vì vậy, qua hội nghị này, chắc chắn Thường trực Tỉnh ủy sẽ nắm được những thông tin đa dạng, phong phú và cụ thể từ cơ sở. Cùng với đó, cấp ủy và chính quyền các xã, phường, thị trấn cũng sẽ tiếp thu được những ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ Thường trực Tỉnh ủy.  

Thực tế cho thấy, mô hình hội nghị, làm việc và kiểm tra trực tuyến đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong công tác lãnh đạo, điều hành và vận động của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể cần nhân rộng mô hình này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và chuẩn bị ứng phó với tình hình bão lụt trong thời gian tới.

 

DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm