Phóng sự - Ký sự

Thầy thuốc nghèo và những đứa con nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Căn nhà lợp tôn tuềnh toàng của vợ chồng bác sĩ Nay Blum nằm ngay sát Trạm y tế xã Glar, huyện Đak Đoa. Khác với sự sôi nổi của vợ-nữ hộ sinh H’Nơn, vị bác sĩ rất kiệm lời. Câu chuyện của hơn 20 năm gắn bó với y nghiệp và biết bao duyên nợ khó lý giải, đặc biệt là việc nhận nuôi bốn đứa trẻ của cặp vợ chồng bác sĩ cứ cuốn lấy chúng tôi qua những lời kể chắp nối.

“Người quên… đẻ”!

 

Vợ chồng bác sĩ Nay Blum-nữ hộ sinh H’Nơn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Vào một đêm mùa khô năm 1995, người đàn ông đến đập cửa nhà Nay Blum, hốt hoảng thông báo vợ anh ta sinh non, bị băng huyết, tình trạng khá nguy kịch. Để đứa con trai nhỏ vừa tròn 4 tuổi ở nhà, cả hai tức tốc lên đường. Đường tới xã Hnol (trước đây là xã Trang) phải lội bộ gần 20 cây số, đến nơi đúng 12 giờ đêm. Nhìn ánh mắt của mọi người trong nhà, Nay Blum hiểu mình đã đến muộn. Theo lệ tục, đứa bé phải chôn chung theo mẹ. Linh tính mách bảo khiến H’nơn đưa mắt tìm. Đứa trẻ được quấn trong một cái khăn rách, nằm bên thi thể người mẹ xấu số. “Vội vàng kéo đứa trẻ ra, thấy nó đã tím tái, mình lập tức vạch ngực cho bú thử thì thấy môi cậu bé mấp máy. Mừng quá, mình la lên “Đứa trẻ còn sống!”-nữ hộ sinh H’Nơn nhớ lại.

Hành động của H’Nơn lập tức bị người làng phản đối. “Đứa trẻ phải chết theo mẹ. Nó sống là điềm xui cho gia đình, cho cả làng”-có người nói. Hơn ai hết, H’nơn ý thức chị đang vi phạm vào luật tục ngàn đời của làng, nhưng bản năng thôi thúc chị phải cứu đứa trẻ. Chị đọc được sự đồng cảm ấy trong ánh mắt của chồng. H’Nơn kể: “Chúng tôi thuyết phục người làng, rằng chúng tôi là cán bộ y tế, có thể nuôi nấng, chăm sóc đứa bé. Dân làng nghe nói cũng xuôi xuôi. Nhưng bà ngoại đứa bé thì phản ứng dữ dội. Bà già lấy chiếc cuốc làm cỏ định tự tử. Trong lúc cấp bách, tôi nghĩ tới già làng. Nhờ ông, chúng tôi mới cứu sống được cậu bé, nhận về nuôi và đặt tên là Nay Thuym”.

 

Nay Thuym-một trong 4 đứa con nuôi hiện đang học lớp 12. Ảnh: Hoàng Ngọc

H’Nơn kể, mang về nhà đến ngày thứ 7, Thuym mới biết bú sữa: “Sinh thiếu tháng nên Thuym nặng chỉ 1,7 kg. Chúng tôi phải nuôi Thuym theo kiểu Kăng-gu-ru, hai vợ chồng thay phiên nhau địu Thuym trước bụng, không dám thả ra. Hồi ấy làm cán bộ y tế nhưng chúng tôi không có đồng thù lao nào, mãi đến 1996 mới có lương chính thức. Thuym lớn lên từ những lon sữa mua được từ tiền đi làm thuê của cả hai vợ chồng”-H’Nơn bồi hồi nhớ lại.

Sau đó, trong những chuyến công tác về làng, bác sĩ Nay Blum thường xuyên gặp hai chị em Mới (10 tuổi) và Kuơm (6 tuổi) lang thang trong rừng thông nhặt phân bò. Hỏi ra mới biết người cha bị bệnh phong nên hai em bị người làng xa lánh. Cô bé Mới và Kuơm sống côi cút, lang thang, bị cô lập bởi chính cộng đồng của mình. Họ hàng không ai chịu nhận nuôi hai đứa trẻ khi cha chúng mất. Blum về kể lại chuyện với vợ. Một lần nữa, H’Nơn và Blum tìm được sự đồng cảm và quyết định nhận nuôi hai đứa bé mồ côi.

Vợ chồng H’Nơn sau đó còn nhận nuôi thêm một bé trai nữa, đó là Jưi, nhà ở xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang. Đến lúc ấy, dù chưa chạm tuổi 30 (cả hai sinh năm 1968), Nay Blum và H’nơn đã có tới 5 mặt con. Bác sĩ Nay Blum nhớ lại: “Hồi nhận nuôi, Jưi còi cọc lắm, bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Mình nói vợ thôi không đẻ nữa. Những đứa con nuôi đều bị suy dinh dưỡng nặng, cần có có thời gian để chăm sóc chúng. Con nào cũng là con”.

Những nhân viên ở Trạm Y tế xã Glar hễ thấy H’Nơn đều gọi chị là “người quên đẻ”. Sự “quên đẻ” ấy, như chị bộc bạch, vì lòng trắc ẩn, tình thương vô điều kiện với những đứa trẻ chị không dứt ruột đẻ ra. Cậu bé Thuym ngày nào bị định đoạt số phận bởi hủ tục ngay khi chào đời, giờ đã là một cậu học trò lớp 12 khỏe mạnh, rắn rỏi với nét đẹp đặc trưng của đàn ông Bahnar. Cậu tự hào: “Em may mắn hơn những đứa trẻ khác khi được bố Blum, mẹ H’Nơn chăm sóc, nuôi nấng, cho đi học. Bố mẹ yêu thương tất cả như ruột thịt”. Trong khi đó, người chị Mới vừa bắt chồng, còn anh Jưi cũng đã có gia đình với hai đứa con. Riêng Nay Thuật hiện đang học năm thứ 4 Đại học Tây Nguyên.

Gắn bó với y nghiệp

 

Bác sĩ Nay Blum kiểm tra sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế. Ảnh: Hoàng Ngọc

Vợ chồng bác sĩ Blum không lý giải nổi điều gì đã cuốn họ vào với y nghiệp. Vượt qua bao gian truân, thử thách sức chịu đựng, cả hai mới trụ vững được với nghề. Bác sĩ Nay Blum bộc bạch: “Mình được cử đi học ngành y khi đang là công nhân cao su. Đây cũng là ước mơ từ nhỏ nên quyết tâm theo học dù lúc ấy vốn tiếng phổ thông rất ít ỏi. Năm 1991, mình ra trường và được phân công về xã Glar công tác. Ngày ấy chưa có trạm y tế như bây giờ, người dân cần mình là đến tận nhà để gọi. Nói vậy nhưng ngày đó mình phải lặn lội khắp các buôn làng “tìm” người bệnh mới đúng. Những năm 90 của thế kỷ trước, người dân còn lạc hậu lắm, đau ốm chỉ biết làm gà, làm heo cúng. Nhiều người có bệnh còn trốn bác sĩ, không chịu chữa trị. Hồi đó mình đi đâu cũng kè kè một túi thuốc đủ loại, sau nhiều lần giúp người dân khỏi bệnh, họ mới dần dần tin tưởng và tìm đến với bác sĩ, bỏ đi các hủ tục”.
 

Tốt nghiệp Đại học Y Huế (2001-2006), bác sĩ Nay Blum hiện là Trưởng trạm Y tế xã Glar. Vợ chồng ông được xem là những cán bộ y tế tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục, chăm sóc sức khỏe cho người dân các làng của xã Glar. Trạm Y tế xã Glar được xây dựng năm 1993 cũng từ một phần đất hiến tặng của vợ chồng ông.

Nữ hộ sinh H’Nơn kể thêm: “Hồi ấy chúng tôi đi làm không lương nên chẳng ai kiểm tra, giám sát gì. Ấy vậy mà hai vợ chồng suốt ngày bận rộn. Vùng này trước đây là trọng điểm sốt rét, Blum hầu như ở làng suốt. Còn mình không đếm được bao nhiêu lần bỏ con, ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm mỗi khi có người trong làng, trong xã trở dạ. Chiếc xe đạp mãi sau này cũng mới dành dụm mua được. Khó khổ là vậy nhưng không hiểu sao mình vẫn yêu nghề lắm. Mỗi khi khoác trên mình chiếc áo trắng, mình thấy hạnh phúc vô cùng”.

Không biết bao nhiêu đứa trẻ chào đời khỏe mạnh từ bàn tay của H’Nơn, bao nhiêu bệnh nhân đến giờ còn mang ơn vị bác sĩ tận tụy Nay Blum. Vậy nhưng khi nói đến những đóng góp trong y nghiệp của hai vợ chồng với cộng đồng, H’Nơn luôn xua tay “Không có gì để nói nhiều, viết ngắn gọn thôi nhé”. Dẫu vậy, già làng Bưi Ớt có nhiều lý do để nói về vợ chồng bác sĩ bằng tình cảm trìu mến: “Từ cái thời chưa có trạm xá, mỗi lần có người đau đến gọi Blum, đêm hôm gì nó cũng xách xe đi, chẳng kêu ca một lời. Chữa khỏi bệnh, có khi người ta chỉ cho nắm ớt, nắm rau để tỏ lòng biết ơn chứ không có tiền bạc gì. Nhờ vợ chồng Nay Blum mà bà con bỏ đi nhiều hủ tục, đau ốm là tới trạm y tế, không cúng bái như hồi xưa”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm