Sức khỏe

Thêm một ca can thiệp tim mạch thành công tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 25-4, sau ca can thiệp mạch, đặt 2 stent động mạch vành thành công, sức khỏe của bà Rơ Lan PYéo (SN 1963, làng Rơ Vai, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi. Theo đánh giá của bác sĩ CKII Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai), đây là ca bệnh khó nhưng ekip đã thực hiện can thiệp mạch thành công góp phần cứu sống tính mạng người bệnh.

Bà Rơ Lan PYéo có tiền sử rối loạn lipid máu, tăng huyết áp. 4 ngày trước khi nhập viện, bà PYéo bị đau vùng thượng vị, sau đó đau ngực, cơn đau lan lên 2 vai, kéo dài… Đi khám bên ngoài được chẩn đoán là viêm dạ dày. Ngày 21-4, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Chư Păh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim có ST chênh lên thành dưới Killip I/ Tăng huyết áp và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ thăm khám cho bà Rơ Lan PYéo sau ca can thiệp mạch thành công. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ thăm khám cho bà Rơ Lan PYéo sau ca can thiệp mạch thành công. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ CKII Trần Kế Toán cho biết, nhồi máu cơ tim ST chênh lên là dạng nặng nhất trong hội chứng mạch vành cấp, là tình trạng trong đó động mạch vành bị tắc hoàn toàn, cấp tính (thường là do cục máu đông) dẫn đến một vùng cơ tim không được nuôi dưỡng, mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc diện nuôi dưỡng cơ tim mà động mạch đó chi phối. Hậu quả cấp tính là bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy tim cấp, phù phổi cấp, sốc tim hoặc rối loạn dẫn truyền gây loạn nhịp tim nguy hiểm... Bệnh nhân có thể tử vong ngay trong giờ đầu, ngày đầu, tuần đầu hoặc tháng đầu sau khi biến cố xảy ra. Bệnh nhân may mắn còn sống thì cũng để lại những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng rất lớn và không hồi phục đến sức khỏe người bệnh như: Suy tim mạn tính do cơ tim không được nuôi dưỡng, rối loạn nhịp tim các loại trong đó có loại gây đột tử… Phân độ Killip là một bảng phân loại để tính toán dự đoán nguy cơ tử vong của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim dựa trên các đặc điểm lâm sàng của họ. Theo đó, chia tiên lượng nhồi máu cơ tim cấp sau lần khám đầu tiên ra thành 4 tầng I-IV. Độ Killip càng cao thì nguy cơ tử vong của người bệnh cũng tăng theo.

Trường hợp của bà Rơ Lan PYéo là tình trạng nặng, nhồi máu cơ tim bán cấp có ST chênh lên thành dưới Killip I/ Tăng huyết áp/ Rối loạn lipip máu. Ngoài ra, bệnh nhân xét nghiệm men tim cao, tình trạng khó thở, có nhịp nhanh xoang, rối loạn dẫn truyền… Các bác sĩ đã giải thích tình trạng nặng cho gia đình và tư vấn chuyển tuyến. Tuy nhiên hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện chuyển tuyến.

Trước hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, Khoa Tim mạch đã xin ý kiến lãnh đạo và được đồng ý triển khai chụp và can thiệp mạch đặt 2 Stent động mạch vành cho bệnh nhân. Chi phí phẫu thuật nếu không có bảo hiểm y tế khoảng 130 triệu đồng. Tuy nhiên, do vật tư bệnh viện xin tài trợ nên ekip thực hiện hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân.

“Ca can thiệp mạch này rất khó, khi chụp mạch phát hiện động mạch vành phải xuất phát bất thường và mất hơn 1 giờ đồng hồ mới tìm được động mạch vành phải. Khi tìm được, động mạch vành phải bị cắt cụt hoàn toàn đoạn đầu và đây là lý do giải thích vì sao bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trên nền tổn thương mạch vành mãn tính. Vì động mạch vành hẹp, vôi hóa nên ekip phải mất thêm 3 giờ đồng hồ để đưa dụng cụ vào và tiến hành đặt thành công 2 Stent cho bệnh nhân. Sau khi đặt Stent thành công, bệnh nhân hết các cơn đau ngực, khó thở. Hiện sức khỏe bệnh nhân đang tốt lên và đang dần hồi phục”- bác sĩ Toán thông tin.

Niềm vui của ekip bác sĩ Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sau khi can thiệp mạch thành công cho bệnh nhân Rơ Lan PYéo. Ảnh bác sĩ cung cấp.

Niềm vui của ekip bác sĩ Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sau khi can thiệp mạch thành công cho bệnh nhân Rơ Lan PYéo. Ảnh bác sĩ cung cấp.

Chị Rơ Lan Hinh (con gái bà Rơ Lan PYéo) chia sẻ: Lúc đầu khi nghe bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, gia đình hết sức lo lắng vì không biết lấy đâu ra tiền để chuyển tuyến trên. Nhưng rồi các bác sĩ đã giúp mẹ tôi vượt qua cửa tử, gia đình biết ơn các bác sĩ nhiều lắm.

Theo bác sĩ CKII Trần Kế Toán, một số dấu hiệu của bệnh mạch vành phải rất dễ nhầm lẫn với đau dạ dày. Vì vậy, khi bệnh nhân có các dấu hiệu không rõ ràng như: Cảm giác mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác… thì cần chỉ định đo điện tim để có chẩn đoán chính xác hơn. Ngoài ra, tuyến dưới nếu cần tham vấn về chuyên môn có thể gọi điện thoại cho các bác sĩ Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để được hỗ trợ.

Đây là ca can thiệp mạch thành công thứ 2 do ekip Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) triển khai mà không có sự giám sát, hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia tuyến trên. Thành công trên là tiền đề để đơn vị tiếp tục triển khai kỹ thuật này thường quy hơn trong thời gian tới, góp phần phục vụ bệnh nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm