Kinh tế

Giá cả thị trường

Thị trường hàng xách tay: "Vàng thau lẫn lộn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ngoại nhập tăng cao thì thị trường hàng xách tay cũng trở nên sôi động. Tuy nhiên, có một điều mà người tiêu dùng nên cẩn trọng là thị trường này luôn “vàng thau lẫn lộn”.

 

Người tiêu dùng từ lâu đã không còn xa lạ với các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, hàng điện tử... có xuất xứ từ nước ngoài được chào bán tại các cửa hàng hay trên mạng internet. Cửa hàng Lan Anh (98 Hùng Vương, TP. Pleiku) được biết đến là địa chỉ kinh doanh hàng ngoại xách tay từ hơn 20 năm nay với đa dạng mặt hàng của các thương hiệu Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản… Bà Nguyễn Thị Lan Anh-chủ cửa hàng-cho biết: “Nguồn hàng xách tay đang bán tại đây chủ yếu do người nhà từ nước ngoài gửi về nên khách rất yên tâm về nguồn gốc và chất lượng. Tuy vậy, hiện nay có nhiều người tham gia lĩnh vực này nên hàng hóa tiêu thụ chậm hơn trước rất nhiều. Khi thị trường phát triển thì có sự cạnh tranh về giá bán”. Bà Lan Anh lấy ví dụ về một món hàng mỹ phẩm có tại cửa hàng nhưng trên mạng giá rẻ hơn mấy chục ngàn đồng. Trong khi đó, không ít người tiêu dùng chỉ quan tâm về giá nên dễ mua phải hàng kém chất lượng.

 Thị trường hàng xách tay phong phú về chủng loại hàng hóa nên đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng. Ảnh: V.T
Thị trường hàng xách tay phong phú về chủng loại hàng hóa nên đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng. Ảnh: V.T



Cũng dành một góc quầy hàng để bán hàng xách tay, chị Lê Thị Hồng Vinh-chủ cửa hàng Lê Vy (đường Lê Lợi, TP. Pleiku) cho hay: “Tiêu dùng mạnh nhất đối với hàng ngoại là bánh kẹo, thực phẩm bồi bổ sức khỏe. Cửa hàng vẫn dành phần lớn diện tích để bày bán hàng hóa sản xuất trong nước nhưng phải có đến 70% lượng khách đến cửa hàng chọn mua bánh kẹo ngoại. Mặc dù hàng sản xuất trong nước có giá mềm hơn rất nhiều nhưng không ít người vẫn chịu chi để mua hàng ngoại. Từ đó cho thấy, hàng ngoại được khách hàng đánh giá cao về chất lượng”.

Việc bán hàng ngoại nhập vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của một bộ phận khách hàng, vừa tăng thêm tính cạnh tranh trong kinh doanh cho nhiều cửa hàng. Tại TP. Pleiku, chỉ tính riêng lĩnh vực kinh doanh hàng thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng và thời trang xách tay cũng đã có hơn chục cửa hàng; còn kinh doanh hàng điện tử, điện thoại xách tay thì hầu như các nơi đều có bán kèm. Đặc biệt, hình thức kinh doanh hàng xách tay qua mạng xã hội Facebook, Zalo đang khá phổ biến. Để tạo niềm tin với người tiêu dùng, nhiều người bán online thường livestream cho người mua nhìn thấy sản phẩm, cũng như hóa đơn mua hàng từ nước ngoài.

Ông Lưu Thái (tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho hay, gia đình ông thường xuyên sử dụng bánh kẹo, trái cây, các loại thực phẩm chức năng bồi bổ sức khỏe của những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. “Hàng xách tay có chất lượng rất tốt, giá cả lại mềm hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu chính hãng. Thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng các mặt hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải biết chọn nơi uy tín để mua nhằm tránh những rủi ro khi mua phải hàng kém chất lượng”-ông Thái chia sẻ.

Người tiêu dùng nên chọn lựa những cửa hàng uy tín để mua hàng “xách tay” nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Vũ Thảo
Người tiêu dùng nên chọn lựa những cửa hàng uy tín để mua hàng xách tay nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Vũ Thảo



Một số người bán cho biết, hàng xách tay thường được gom mua trong những đợt khuyến mãi, từ thực phẩm, quần áo đến giày dép, đồng hồ, túi xách rồi vận chuyển về nước dưới dạng hành lý cá nhân, không phải đóng thuế. Do đó, giá luôn rẻ hơn hàng nhập khẩu. Đặc biệt, bán online không mất chi phí mặt bằng, nhân viên… nên giá cũng luôn rẻ. Song, thị trường hàng xách tay hiện có sự trà trộn hàng nhái gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chị Võ Thị Nguyên Thủy (tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ kinh nghiệm: “Hiện nay, trên thị trường xuất hiện tràn lan hàng hóa ngoại nhập, kể cả hàng nhập khẩu chính hãng cũng như hàng xách tay. Do đó, ngoài chọn nơi uy tín để mua, khi cầm sản phẩm, tôi có thói quen quét mã vạch để kiểm tra nguồn gốc. Tuy vậy, vẫn lo ngại nhất là việc gian lận trong thương mại bởi thời gian qua có không ít trường hợp lợi dụng niềm tin của người dùng để trà trộn biến hàng giả, hàng nhái thành hàng xách tay nhằm thu lợi bất chính. Một khi đã lầm tưởng mua phải những hàng này coi như tiền mất tật mang”.

Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Gia Lai-cho biết: “Theo cách hiểu thông thường, hàng xách tay là hàng được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam dưới dạng ký gửi hành lý của hành khách khi nhập cảnh. Với ngành chức năng khi kiểm tra thì không phân biệt đâu là hàng nhập khẩu, đâu là hàng xách tay. Do đó, với hàng được sản xuất ở nước ngoài, nếu khi kiểm tra mà phát hiện không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì đó là hàng nhập lậu nên đều bị tịch thu và xử lý”.

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm