Đóng cửa, tạm hoãn, hủy show, dời lịch… là những cụm từ gắn liền với đời sống văn hóa - nghệ thuật (VHNT) năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài. Để hồi phục thị trường như thời điểm trước khi có dịch cần thời gian, dù đã có nhiều sự thích nghi, dịch chuyển mang tính bước ngoặt.
Chưa khi nào rạp phim, nhất là tại TPHCM, lại có thời gian đóng cửa dài kỷ lục, khoảng 6 tháng. Ngay cả khi được phép mở trở lại vào trung tuần tháng 11, tình trạng ảm đạm vẫn kéo dài. Phải đến khi có sự xuất hiện của bộ phim bom tấn Spider Man: No way home (Người nhện: Không còn nhà) - được phát hành song song với Bắc Mỹ, thị trường mới có những tín hiệu hồi sinh.
Lĩnh vực sân khấu thậm chí còn khó khăn hơn gấp bội khi đến thời điểm này các đơn vị nghệ thuật hầu như vẫn “án binh bất động”. Chuyện thua lỗ hay nguy cơ phá sản từng được nói nhiều đến mức hiện người làm nghề giờ ngại nhắc đến. Khi sân khấu vẫn chưa mở cửa, nhiều đơn vị chuyển hướng sang truyền nghề, liên tiếp có các lớp học về diễn xuất vừa nâng cao tay nghề cho đội ngũ diễn viên trẻ, vừa góp phần nuôi dưỡng đam mê cho thế hệ diễn viên mới.
Thời điểm này, một số sân khấu cũng đang tập luyện, dựng vở mới với hy vọng mùa Tết Nguyên đán tới đây không khí nhộn nhịp có thể trở lại. Đầu tháng 1-2022, sự kiện Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc tại TPHCM được kỳ vọng sẽ mang đến tín hiệu lạc quan, là cú hích giúp đội ngũ làm nghề nỗ lực, bởi với họ, được lên sàn diễn là được truyền nhựa sống. Khó khăn cũng bủa vây hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống VHNT, nhất là tại TPHCM, từ âm nhạc, truyền hình, xuất bản, hội họa, nhiếp ảnh… Trở lại là khó khăn nhưng không đồng nghĩa sẽ đi vào ngõ cụt.
Nghệ thuật là sáng tạo và không có giới hạn. Trong bối cảnh dịch bệnh, điều đó đã được phát huy tối đa, vừa duy trì các hoạt động, đồng thời là liều thuốc tinh thần giúp người dân có thêm động lực vượt qua khó khăn. Chưa khi nào khái niệm trực tuyến lại nở rộ ở lĩnh vực VHNT như thời gian qua và chắc chắn trong cả tương lai. Nó không còn là biện pháp mang tính tình thế hay giải pháp nhất thời. Tính kết nối, không giới hạn khán giả, khả năng tương tác và sức ảnh hưởng nhờ hiệu ứng mạng xã hội là những ưu điểm nổi trội.
Nhiều chương trình truyền hình, nghệ thuật, show ca nhạc được tổ chức trực tuyến. Ra mắt sách, giao lưu, tọa đàm, ngày hội sách… cũng được tổ chức trực tuyến. Nhiều triển lãm quy mô từ nhỏ đến lớn, cá nhân đến tập thể đã xuất hiện trên không gian mạng. Và đã có không ít sự kiện VHNT quy mô được tổ chức theo hình thức mới. Sự dịch chuyển và thích ứng ấy vừa là xu thế tất yếu nhưng đồng thời cho thấy sự nhạy bén của các đơn vị tổ chức và người làm nghệ thuật. Đó là cách giúp họ vẫn được làm nghề, duy trì đam mê, có thu nhập và giao lưu với khán giả. Quan trọng hơn, các sự kiện trực tuyến không chỉ động viên, khích lệ về mặt tinh thần mà còn đóng góp về hiện vật với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch. Nghệ thuật nói chung và cá nhân mỗi người làm nghệ thuật nói riêng đã không đứng ngoài cuộc.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, lại xuất hiện thêm biến thể mới, lĩnh vực VHNT và những người làm nghề đã xác định tâm thế sống chung với dịch. Đặc biệt, sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, dẫu phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhưng từ bị động, thế chủ động đã được xác lập. Đây chắc chắn là thay đổi quan trọng. Sự chủ động ấy sẽ giúp họ vững vàng để tìm ra hướng đi phù hợp. Nghệ thuật thích ứng linh hoạt và an toàn sẽ tiếp tục là xu hướng trong năm 2022. Sự kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp khi đời sống xã hội trở lại bình thường sẽ là dòng chủ đạo. Sự thích nghi ấy kéo theo những thay đổi về hình thức, cách thức, quy mô tổ chức nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Và năm 2022 chính là thời điểm buộc người làm nghệ thuật càng phải chuyển mình mạnh mẽ nếu muốn tồn tại và tiếp tục phát triển trong môi trường cạnh tranh, đào thải khốc liệt.
VĂN TUẤN (SGGPO)