'Chuyển đổi số không phải là việc gì to lớn mà ai cũng có thể làm từ những việc rất nhỏ như nỗ lực đưa các sản phẩm lên fanpage, website, các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước', Hoàng Thị Mỹ Tuyến chia sẻ.
Hoàng Thị Mỹ Tuyến (bìa phải) giới thiệu sản phẩm của mình tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP |
Câu chuyện chuyển đổi số thành công trong mùa dịch của những dự án khởi nghiệp mang tính chất truyền thống, là minh chứng cho việc chuyển đổi số không phải là cái gì đó quá đao to búa lớn, mà bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng có thể làm được để thích nghi và phát triển.
Dự án khởi nghiệp của Hoàng Thị Mỹ Tuyến (Đắk Lắk) là một điển hình. Với đặc thù là những dòng sản phẩm tái chế từ gỗ thải đi để làm trang sức, đồ chơi gỗ, quà tặng, muỗng nĩa... bán cho khách du lịch trong và ngoài nước, nên mùa dịch vừa qua dự án bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng nhờ chuyển đổi số thành công mà Tuyến đã đưa dự án của mình phát triển vượt bậc trong và sau dịch.
Tận dụng nguồn gỗ bỏ đi để khởi nghiệp
Khởi nghiệp trái ngành đã là một bất lợi cho Tuyến ở những ngày đầu, thế nhưng khi vượt qua được những khó khăn bước đầu để đưa dự án phát triển ổn định thì gặp phải dịch bệnh. Là một người không rành về công nghệ, vậy Tuyến đã chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình như thế nào?
Trước đây, Tuyến học thiết kế và sau nhiều năm làm việc tại TP.HCM, đến năm 2018, Tuyến gặp sự cố trong công việc kinh doanh và trải qua cú sốc quá lớn về sự ra đi đột ngột của mẹ nên cô từng mất hết ý chí và mục tiêu sống. Đến một ngày, Tuyến nhận ra bản thân phải làm điều gì đó, không thể cứ mãi chìm đắm trong tuyệt vọng để rồi giết chết tuổi trẻ của mình.
Thế là quay về quê nhà, Tuyến thấy ở địa phương có rất nhiều xưởng mộc làm đồ nội thất, những đống gỗ vụn bị đốt đi quá lãng phí. Bên cạnh đó, quê nhà Tuyến là vùng đất đỏ bazan màu mỡ trồng cây nông nghiệp lâu năm. Từ nhỏ Tuyến đã chứng kiến những lần cây nông nghiệp bị chặt bỏ để trồng loại cây mới, cây chặt đi lại bị đốt tại chỗ hoặc bán cho lò đốt than.
“Trong một lần tình cờ gặp 2 bạn trẻ khuyết tật làm nghề tranh gỗ mỹ nghệ, mình đã vô cùng thích thú, nhận thấy thị trường loại sản phẩm này bị bão hòa nên mình có ý tưởng thử làm ra sản phẩm khác từ nền tảng nghề này. Thời gian đầu, mình xin các mẫu gỗ về, tự mua máy cưa lọng mày mò làm sản phẩm để chào hàng. Sau khi phát triển mới thuê thêm nhiều người về làm cùng”, Tuyến kể.
Các sản phẩm tái chế từ gỗ vụn của Tuyến |
Dự án của Tuyến là tái chế gỗ thải thành sản phẩm ứng dụng và làm đẹp trong đời sống. Tuyến sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ thải ra từ các xưởng gỗ và cây trồng bị chặt bỏ, tận dụng tối đa chúng để tạo thành các dòng sản phẩm như đồ trang sức, đồ chơi gỗ, quà tặng, muỗng nĩa, sản phẩm trang trí theo mùa...
Học hỏi để chuyển đổi số
Dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp của Tuyến bị ảnh hưởng nặng nề vì sản phẩm chủ yếu là quà tặng cho du khách trong nước và ngoài nước.
“Trước đây mình bán theo hình thức kiểu truyền thống và khách hàng của mình là các cửa hàng lưu niệm, cửa hàng bán đồ trang trí, handmade. Nhưng vì dịch Covid-19 và họ không trụ nổi vì chi phí quá cao mà khách du lịch thì không có. Thế là mình bị mất gần 80% doanh thu”, Tuyến cho biết.
Những tưởng mọi thứ đi vào ngõ cụt, tình cờ Tuyến gặp được một người thầy và thầy khuyên Tuyến thay đổi cách bán hàng, bắt nhịp với thương mại điện tử.
“Thế là mình đã học cách chuyển đổi số để cứu doanh nghiệp của mình. Chuyển đổi số không phải là việc gì to lớn mà ai cũng có thể làm từ những việc rất nhỏ như tập trung nỗ lực nhiều hơn để đưa các sản phẩm lên fanpage, website, các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước”, Tuyến chia sẻ.
Đầu tiên với Facebook, cô bắt đầu xóa hết những dòng trạng thái cá nhân. Thay vào đó là những bài viết về sản phẩm, về đam mê tái chế gỗ thải, về câu chuyện tái chế… Tuyến tham gia các hội nhóm có những đối tượng khách hàng mục tiêu và sau đó tìm hiểu các sàn bán hàng trực tuyến. Nghiên cứu cách đăng bán và cuối cùng là liên kết với các ứng dụng bán hàng từ các nhà cung cấp dịch vụ khác.
“Bên cạnh đó, mình mua phần mềm bán hàng, phần mềm có thể liên kết qua fanpage, các sàn và quản lý đơn hàng, thông tin khách hàng, giúp mình đỡ mệt hơn trong việc quản lý đơn hàng và doanh thu. Nhờ biết chuyển đổi số, mình đã tiếp cận được nhiều nguồn thông tin và nhiều nguồn khách hàng. Họ biết đến sản phẩm của mình, mua tặng cho đối tác ở nước ngoài và nhận được nhiều phản hồi tốt. Không chỉ giúp doanh nghiệp sống sót qua năm đại dịch, mà mình còn có được nhiều đối tác cho năm nay, trong đó có các doanh nghiệp ở nước ngoài”, Tuyến vui mừng chia sẻ.
Trong thời gian tới, sản phẩm của Tuyến sẽ chính thức lên các sàn thương mại quốc tế như Amazon và Etsy bằng cách thức chính chủ, đồng thời được bán trên các app bán hàng chất lượng cho người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, cho người yêu nông nghiệp và những người yêu sản phẩm bảo vệ môi trường...
Nhưng để làm được điều đó, giai đoạn đầu Tuyến đã vô cùng khó khăn: “Mình là dân tay ngang khởi nghiệp lại không rành về công nghệ và không biết gì về khái niệm chuyển đổi số. Thời gian đầu, mình đã vô cùng khó khăn khi vận dụng. Có hôm, một ngày loay hoay mãi mới đăng được sản phẩm đầu tiên, điền và viết thông tin đầy đủ nhưng không thể đăng lên bán mà cũng không biết bản thân sai từ đoạn nào. Nhưng mình đã không bỏ cuộc và cố gắng khắc phục. Với bản tính ham học hỏi, mình đã tìm kiếm thông tin bằng mọi thứ: tra Google, YouTube, hỏi hết người này đến người kia...”.
Từ những thành công nhờ chuyển đổi số, Tuyến gửi gắm: “Mình nghĩ chuyển đổi số có vai trò vô cùng quan trọng trong thời đại công nghệ hiện nay, không chỉ cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn cho các doanh nghiệp lâu năm. Nó không chỉ giúp chúng ta xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh bán hàng, kết nối người đồng hành, mà còn giúp chúng ta rảnh rang hơn trong quản lý và vận hành, giúp ta có thể thích ứng được với những biến cố có thể xảy đến bất ngờ như dịch Covid-19”.
Theo Nữ Vương (TNO)