Thời sự - Bình luận

Thiên tai thức tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhìn những đoàn xe thiện nguyện từ các vùng về miền Trung cứu trợ đồng bào bị thiên tai, có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng thấy ấm lòng trước nghĩa đồng bào đùm bọc, sẻ chia.

"Người miền Trung gian khổ nhiều đời qua", hẳn nhiên rất cảm kích trước sự tương thân tương ái đó. Thẳm sâu trong họ, chẳng ai muốn bị tai ương để rồi phải nhờ cứu tế, hết năm này qua năm khác. Nhưng dải đất này đã như thế, không thể khác. Miền Trung được ví là chiếc đòn gánh - gánh đau thương cho các miền còn lại - nên khi lâm cảnh hoạn nạn thì được giúp đỡ, vậy là trọn lý vẹn tình.

Nhưng cũng từ tai ương dai dẳng bao đời ấy và giữa thời sự nóng hổi về lũ lụt đang diễn ra ở miền Trung hôm nay, thử đặt mấy câu hỏi: Đến bao giờ chấm dứt cảnh lái đò, chèo ghe đi rải mì gói cứu đói người dân bị kẹt lũ? Khi nào không còn thấy những đôi tay chới với thò lên từ mái ngói đang chìm dần giữa biển nước mênh mông để cầu cứu; hay những gương mặt hốc hác, hình bóng già nua co ro tội nghiệp trên nóc nhà, đối diện với lằn ranh sinh tử? Và hình ảnh những đoàn xe, đoàn người cứu trợ khi nào sẽ vắng bóng ở nơi "tháng mười mưa bão, tháng năm nắng gieo hạn khô" này?


 

 Người dân chạy lũ ở miền Trung
Người dân chạy lũ ở miền Trung



Những câu hỏi đó đâu dễ tìm được lời đáp. Thật sự chưa có lời giải. Nhưng có chức năng thức tỉnh con người.

Đối với người dân bản địa, họ hiểu thêm thiên nhiên ngày càng hung hãn hơn, cuồng nộ hơn để mà chọn cách chung sống dung hòa, nương tựa. Đã dựa vào Mẹ thiên nhiên từ bao đời, nay phải tiếp tục sống cùng, bảo vệ và yêu quý thiên nhiên hơn. Đừng bao giờ tàn phá hay chống lại tự nhiên, đó không chỉ là nguồn sống mà còn là lẽ sống.

Đối với những người tham gia cứu tế - chẳng hạn một bộ phận nghệ sĩ - chắc chắn không chỉ làm lan tỏa lòng nhân ái trong công chúng, trong cộng đồng mà bản thân họ cũng sẽ thay đổi lối sống. Những nghệ sĩ giàu có từng khoe khoang biệt thự với đồ gỗ tự nhiên hàng chục tỉ, trăm tỉ chắc sẽ tự cảm thấy cắn rứt, khi nghe người ta đổ tội cho nạn phá rừng nguyên sinh là nguyên nhân chủ yếu gây lũ lụt kinh hoàng. Cũng như vậy, những bộ tràng kỷ bằng gỗ quý trị giá tiền tỉ, những bộ bàn ghế chạm rồng khắc phượng được xẻ từ cổ thụ trăm năm trong tư gia hay phòng tiếp khách cơ quan đâu đó chắc sẽ âm thầm được đem giấu kỹ; còn các đại gia cũng bớt khoe nhà rường… Những thay đổi ấy dẫu chưa thể ngăn rừng xanh chảy máu song ít ra cũng bớt gây phản cảm!

Đối với những nhà hoạch định chính sách, trong lúc chưa có giải pháp khắc chế triệt để thiên tai ở miền Trung thì phải luôn thật trách nhiệm với mọi quyết sách nhạy cảm liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, sinh kế và tính mạng của người dân. Chẳng hạn, mọi hoạt động khai thác, mua bán gỗ rừng tự nhiên đều bị cấm nhưng thực tế gỗ quý vẫn được dùng nhiều - vậy từ đâu mà có? Hay như chuyện xây dựng thủy điện vừa và nhỏ vô tội vạ. Hai "thủ phạm" cộm cán gây thiên tai này có thể bị trói tay bằng chính sách, tại sao không siết chặt?

Theo A.Q (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm