Thời sự - Sự kiện

Thiêng liêng lễ tưởng niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Sáng 31-8 (nhằm ngày 28-7 năm Giáp Thìn), Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Gia Lai phối hợp với Thị ủy-HĐND-UBND thị xã An Khê tổ chức lễ tưởng niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792-2024) tại di tích An Khê trường (thị xã An Khê).

Các đại biểu dự lễ tưởng niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792-2024) tại di tích An Khê trường (thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh

Các đại biểu dự lễ tưởng niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792-2024) tại di tích An Khê trường (thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh

Dự lễ tưởng niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung có các đồng chí: Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã cùng đông đảo người dân trên địa bàn.

Về phía khách mời có ông Nguyễn Văn Thứ-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cùng đại diện lãnh đạo một số phòng, ban của huyện Tây Sơn.

Trang nghiêm lễ tưởng niệm

Đây là năm thứ 3 Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Từ sáng sớm, các bậc cao niên cùng người dân đã tập trung về An Khê trường để sửa soạn lễ vật, chuẩn bị mâm cúng. Trong không khí trang nghiêm của ngày lễ, cả khu vực rộng lớn, nghi trượng, cờ lọng rợp trời, chiêng trống rền vang. Trước khi cử hành nghi thức chính, Ban Nghi lễ đình An Khê cùng các bậc cao niên bày biện mâm cúng tưởng nhớ các tướng sĩ nghĩa quân Tây Sơn ngay trước Điện thờ Tam Kiệt.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai kính cẩn dâng hoa dưới tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: Ngọc Minh

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai kính cẩn dâng hoa dưới tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: Ngọc Minh

Trước tượng đài oai hùng, khí phách của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thị xã An Khê và các địa phương cùng người dân đã dâng hoa lên tượng đài Hoàng đế Quang Trung; cùng nhau ôn lại sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung.

Đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Trong 20 năm cầm quân, Hoàng đế Quang Trung đã lập nên những chiến công hiển hách, dẹp thù trong, giặc ngoài, thống nhất, thu non sông về một mối. Trên cương vị Hoàng đế, ông là một minh quân chăm lo cho Nhân dân, đưa ra nhiều cải cách về kinh tế, quan tâm đến giáo dục, văn hóa…Về đối ngoại, Hoàng đế Quang Trung thiết lập bang giao và yêu cầu nhà Thanh phải công nhận độc lập chủ quyền của nước ta.

Tiếc thay, cuộc đời Người lại quá ngắn ngủi, ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), Hoàng đế Quang Trung đột ngột mất khi mới 39 tuổi, để lại bao hoài bão về xây dựng, kiến thiết đất nước chưa thực hiện được.

Các đại biểu cùng đông đảo người dân trên địa bàn thị xã và thành viên Ban nghi lễ đình An Khê dự lễ cúng Vua theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Các đại biểu cùng đông đảo người dân trên địa bàn thị xã và thành viên Ban nghi lễ đình An Khê dự lễ cúng Vua theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Tại Điện thờ Tam kiệt, các thành viên trong Ban Nghi lễ đình An Khê thuần thục thực hiện các bước dâng hương, đèn, trà, hoa quả theo nghi thức truyền thống dưới sự chứng kiến của các đại biểu và người dân.

Ông Trần Quang Khánh-Phó trưởng Ban nghi lễ đình An Khê-cho biết: “Kế thừa công việc của cha, từ năm 2011 đến nay, tôi giữ sắc phong đình làng. Mỗi dịp đình tổ chức tế lễ tôi đều tham gia phụ giúp các cụ trong Ban Nghi lễ. Hơn 10 năm qua, tôi không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng để góp phần cùng các thành viên phát huy, thực hành các nghi thức tế lễ truyền thống tốt hơn”.

Các thành viên trong Ban nghi lễ đình An Khê thực hiện cúng vua theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Các thành viên trong Ban nghi lễ đình An Khê thực hiện cúng vua theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Tự hào hào khí Tây Sơn

Về dự lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung, bà Đinh Thị Pin-Trưởng thôn Pơ Nang (xã Tú An) xúc động nói: “Quang Trung là vị vua trẻ tài giỏi, có công lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Sau khi dự lễ về, tôi sẽ truyền đạt những công lao của Vua Quang Trung tới thế hệ trẻ, bà con dân làng cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương đẹp giàu, xứng đáng với truyền thống ông cha”.

Đều đặn hàng năm, cứ đến ngày này, đoàn công tác của lãnh đạo huyện Tây Sơn cũng “ngược đèo” lên dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung. Ông Nguyễn Văn Thứ-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Sơn-chia sẻ: “Huyện Tây Sơn kết nghĩa với thị xã An Khê. Hàng năm, vào dịp lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung, Đảng bộ huyện Tây Sơn cử đoàn cán bộ lên dự.

Lễ tưởng niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung được tỉnh Gia Lai tổ chức rất bài bản, quy mô; qua đó tưởng nhớ tri ân Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ; ôn lại truyền thống hào hùng của phong trào Tây Sơn và tinh thần bách chiến, bách thắng của vị vua "áo vải cờ đào". Qua lễ kỷ niệm góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha ông, quyết tâm bảo vệ tổ quốc và xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Đoàn lãnh đạo huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) dâng hương các tướng sĩ nhà Tây Sơn tại Điện thờ Tam Kiệt. Ảnh: Ngọc Minh

Đoàn lãnh đạo huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) dâng hương các tướng sĩ nhà Tây Sơn tại Điện thờ Tam Kiệt. Ảnh: Ngọc Minh

Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung, phát huy hào khí Tây Sơn-Quang Trung-Nguyễn Huệ, Gia Lai nói chung, An Khê và các huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro nói riêng đã kế thừa xứng đáng truyền thống yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với cả nước, những tên đất, tên người như Anh hùng Ngô Mây, Đinh Núp, Y Đôn, Đỗ Trạc, đường 19, đèo An Khê, Dốc Lá, Tú Thủy, Cửu An, Rộc Rứa, Suối Vối... đi vào lịch sử dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân.

“Kỷ niệm 232 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung, chúng ta tự hào vì đang được sống ngay trên mảnh đất mà ông từng dựng cờ nghĩa. Gia Lai nói chung, đảng bộ và chính quyền các cấp ở An Khê, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro nói riêng càng thêm tự hào và nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của di tích gắn với phát triển kinh tế, xã hội địa phương, để xứng đáng với danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng”-ông Nhung nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm