TN - Đất & Người

Thịt lợn rừng được giá, nông dân vẫn không dám tăng đàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuy thịt lợn rừng đang có giá cao, nhưng nhiều nông dân ở TP.Buôn Ma Thuột vẫn rất hạn chế tăng đàn vì tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Những ngày này, giá thịt lợn hơi đang ở mức ''kỷ lục'', lợn rừng được nuôi ở TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cũng rất được giá.
Anh Nguyễn Văn Thành, ngụ phường Thành Nhất (TP.Buôn Ma Thuột) có trại lợn rừng thuộc dạng lớn nhất, nhì ở nơi đây cho biết, hiện tôi có đến hơn 10 con lợn rừng nái được dùng để gây giống và còn khoảng 30 con lợn rừng để bán từ đây đến ra Tết nguyên đán. Thịt lợn rừng đang giao động khoảng 150.000 đến 160.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với cách đây ít tháng.
 
Trại lợn rừng anh Thành hiện đang có khoảng gần 50 con lợn. Ảnh:  B.T
''Hiện, mỗi con lợn rừng đủ cân nặng tôi bán được hơn 2 triệu đồng nhưng vẫn không dám tăng số lợn vì thứ nhất sợ giá cả leo thang; thứ hai không dám mua con giống bên ngoài sợ kém chất lượng, nếu không may mua nhầm lợn bệnh sẽ lây dịch bệnh cho cả đàn. Thức ăn cho lợn rừng không phải cám mà là cơm nấu trộn với rau, lòng gà... rất tốn kém.''
 
Mỗi còn lợn rừng đến lứa để bán có trọng lượng khoảng 30 đến 40kg. Ảnh: B.T
Ông Nguyễn Văn Thoan, ngụ xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột thông tin, tôi cũng không thể nhân lúc thịt lợn rừng đang có giá ''tốt'' để tăng đàn được. Bởi vì chẳng ai biết vài tháng tới giá cả sẽ ở mức nào, vội vã tăng đàn không có tính toán thì rất dễ ''tiền mất tật mang'''.
Được biết, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có khá nhiều hộ dân nuôi lợn rừng với quy mô nhỏ, lẻ. Hộ cao nhất khoảng hơn 50 con, thấp nhất cũng chỉ 5 đến 7 con. Chủ yếu cung cấp cho một số quán nhậu, nhà hàng có nhu cầu thu mua.
 
Lợn rừng nái dùng để gây giống có trọng lượng lên đến 100kg. Ảnh: B.T
Ông Hoàng Anh Dũng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y TP. Buôn Ma Thuột nhấn mạnh, đợt dịch tả lợn Châu Phi xảy ra cách đây ít tháng đã làm khá nhiều hộ dân nuôi lợn rừng bị ảnh hưởng, buộc phải tiêu hủy cả đàn. Trước tình hình giá thịt lợn rừng đang ở mức cao, chúng tôi cũng cảnh báo người dân không nên vội vã tăng đàn, tái đàn để đề phòng nguy cơ dịch bệnh tái phát.
Bên cạnh đó, khuyến cáo không nên lấy thức ăn dư thừa từ bên ngoài để cho đàn lợn ăn; kết hợp thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại và tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn.
"Qua kiểm tra, rà soát sau đợt dịch tả lợn vừa qua những hộ dân nuôi lợn rừng bị ảnh hưởng hiện vẫn chưa dám tái đàn lợn, số không bị ảnh hưởng phần lớn đều không dám tăng đàn..." - ông Dũng cho hay.
Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm