Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Thổ cẩm Tây Nguyên với chiều sâu văn hóa kiến tạo sức sống mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bên cạnh không gian văn hóa cồng chiêng và các lễ hội truyền thống, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bao đời nay gắn liền với sắc màu thổ cẩm.

Thổ cẩm Tây Nguyên không chỉ thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là sản phẩm thể hiện chiều sâu văn hóa, kết nối quá khứ với hiện tại.

Chiều sâu văn hóa

Người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk từ xưa đến nay vẫn lưu truyền lời nói vần “Người khéo léo biết se, nhuộm chỉ. Bàn tay biết dệt, ngón tay biết đan”. Theo truyền thống của người Ê Đê, nếu như đan gùi và rèn là nghề thủ công của đàn ông, dệt vải, làm gốm là công việc của người phụ nữ. Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái Ê Đê đã được bà và mẹ dạy cách dệt thổ cẩm.

Các nghệ nhân ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và kiếm thêm thu nhập.

Các nghệ nhân ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và kiếm thêm thu nhập.

Cặm cụi bên khung cửi, nghệ nhân H’Blong Knul (buôn Ja, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, bà biết dệt từ lúc 15 tuổi. Đến giờ, ba người con gái của bà đã biết dệt thành thạo nhiều loại trang phục của người Ê Đê như mẹ. Nghệ nhân H’Blong Knul còn truyền dạy cho giới trẻ biết dệt và đi tham gia các cuộc thi nhằm khôi phục, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Cũng như các dân tộc ở Tây Nguyên, người Ê Đê trước đây dùng sợi bông làm nguyên liệu dệt thổ cẩm. Bông sau khi thu hoạch về được đánh tơi, kéo sợi rồi nhuộm màu bằng bùn, lá, củ, rễ hoặc vỏ cây rừng. Người phụ nữ phải chuẩn bị đủ sợi bông đã nhuộm màu và phơi khô, màu nền, các màu để tạo ra hoa văn, chuẩn bị khung giăng sợi và khung dệt.

Từ đôi bàn tay khéo léo, cùng với trí óc phong phú, phụ nữ Ê Đê nói riêng, phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung bao đời nay khắc họa trên những tấm thổ cẩm các hình ảnh gần gũi với đời sống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: cồng chiêng, nhà sàn, ché rượu, các con vật, hoa lá, cây cối… Trang phục hàng ngày được dệt đơn giản, tiết chế hoa văn. Trang phục dành cho các dịp lễ, hội được trang trí công phu, màu sắc sặc sỡ.

Trong đời sống xã hội hiện nay, các dân tộc ở Tây Nguyên đã sử dụng các chất liệu mới và ứng dụng công nghệ vào dệt thổ cẩm, cách tân để tạo nên những sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, mang lại nguồn thu nhập. Thổ cẩm đã và đang tìm lại chỗ đứng, không bó buộc trong phạm vi buôn làng mà đã kết hợp với du lịch, sáng tạo thành sản phẩm ở lĩnh vực thời trang, đồ lưu niệm, nội thất… tạo nên sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm.

Tại Đắk Lắk, hiện nay, không ít làng nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê, người M’Nông đã mạnh dạn kết hợp với du lịch nhằm vực dậy ngành nghề truyền thống giàu bản sắc, mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều địa phương hình thành những nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác dệt thổ cẩm, như các buôn Tơng Jú, Alê A, Ea Bông, Ako Dhông (thành phố Buôn Ma Thuột), xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), phường An Lạc và xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ), buôn Mùi 2 (xã Cư Né, huyện Krông Búk), xã Dray Sáp (huyện Krông Ana)…

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) hiện có 45 thành viên, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là công việc giúp các thành viên kiếm thu nhập lúc nông nhàn. Bà H’Yam Buôn Krông, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, sản phẩm thổ cẩm của hợp tác xã đã tìm được đầu ra ổn định tại các tỉnh, thành phố như Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong định hướng phát triển, Hợp tác xã xác định mẫu mã sản phẩm dệt phải đa dạng như váy, áo, túi, áo cưới, khăn… để mọi người sử dụng được. Bên cạnh đó, Hợp tác xã định hướng phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, đầu tư homestay để giới thiệu với du khách, giúp nghề dệt thổ cẩm ngày càng phát triển.

Ngày nay, tại các tỉnh Tây Nguyên, không khó để bắt gặp hoa văn thổ cẩm trong đời sống hàng ngày, từ quần áo, giày dép, túi xách đến đồ lưu niệm, trang phục cưới, trang phục của nhân viên phục vụ, trong các nghi lễ, lễ hội, chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ,… Nhiều nhà thiết kế, nhiều người đẹp từ buôn làng đã mang họa tiết thổ cẩm Tây Nguyên vươn ra thế giới qua các bộ sưu tập, cuộc thi, buổi trình diễn thời trang… kiến tạo giá trị mới cho thổ cẩm trong bối cảnh hiện đại và hội nhập.

Sức sống mới của thổ cẩm

Mới đây, tại Khu Du lịch thác Dray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana), Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk chủ đề “Ban Mê ơi”.

Trong khung cảnh hùng vĩ, huyền bí của thác nước Dray Nur bên dòng sông Sêrêpốk huyền thoại, chương trình đã tái hiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên qua những hình ảnh khung cửi dệt, nghệ nhân làm gốm, chiếc gùi, các nhạc cụ dân tộc, rượu cần, mà thổ cẩm giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt chương trình. Hơn 200 diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ múa, học sinh, nghệ nhân người dân tộc thiểu số không quản mưa, nắng đã thể hiện xuất sắc 7 bộ sưu tập thời trang thổ cẩm… của các nhà thiết kế Minh Hạnh, Công Huân, Cao Duy, Trung Beret, Nguyễn Thúy.

Hòa với tiếng cồng, tiếng chiêng, các ca khúc về Tây Nguyên huyền thoại cùng những vật dụng giản đơn như tre, diều, khăn thổ cẩm, lá chuối…, chương trình đã thành công ngoài sự mong đợi. Xuyên suốt chương trình, khán giả được dẫn dắt qua các miền ký ức, không gian và nét đẹp thổ cẩm từ truyền thống đến hiện đại, cách tân; đọng lại những dư vị cảm xúc và ấn tượng khó quên.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Trang, thành phố Buôn Ma Thuột cùng gia đình vượt 30km đến để xem chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk. Là người dân Buôn Ma Thuột, song đây lần đầu tiên chị Trang được thưởng thức một chương trình biểu diễn thời trang hoành tráng, hấp dẫn và đẹp như vậy. Theo chị Trang, đây là chương trình quảng bá văn hóa - du lịch rất tốt. Chị đặc biệt ấn tượng với bộ sưu tập áo cưới, vừa sáng tạo, tinh tế, có tính ứng dụng cao, vừa thu hút, giữ được nét độc đáo của hoa văn thổ cẩm.

Theo Nhà thiết kế Minh Hạnh, thổ cẩm Tây Nguyên đã ghi được dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của thời trang Việt Nam. Thổ cẩm đã đi vào đời sống bằng tài năng, con tim, suy nghĩ phong phú của những người nghệ nhân. Nhiều nhà thiết kế đã dũng cảm chạm đến thổ cẩm, với sự hiểu biết về các dân tộc, về vùng đất Tây Nguyên cùng cung bậc cảm xúc làm nên những bộ sưu tập thời trang thổ cẩm mang những nét đẹp đương đại, mạnh mẽ song vẫn giữ được bản sắc, giá trị riêng.

Công tác chuẩn bị chưa đầy 1 tháng, song chương trình đã tôn vinh được thổ cẩm Tây Nguyên, không gian văn hóa Tây Nguyên. Một chương trình vừa sáng tạo, đổi mới, lung linh sắc màu, vừa gần gũi, độc đáo, cuốn hút. Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Trần Xuân Điền cho biết, việc phối hợp tổ chức chương trình nhằm quảng bá trang phục truyền thống và giữ gìn, tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thông qua chương trình, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu thổ cẩm Tây Nguyên ra thế giới, thành lập các làng, hợp tác xã thổ cẩm để nâng cao đời sống người dân, quảng bá phát triển du lịch.

Cũng theo Ban Tổ chức chương trình, để thổ cẩm sống mãi, cùng với khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ, chính quyền địa phương cần chú trọng mở lớp dạy nghề, thành lập các tổ hợp thổ cẩm và tăng cường quảng bá rộng rãi những sản phẩm thủ công truyền thống mang giá trị văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh việc khai thác và phát huy các làng nghề thổ cẩm truyền thống theo hướng phục vụ du lịch, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ số trong sản xuất để sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng cao.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, trong định hướng phát triển làng nghề, tỉnh đặc biệt quan tâm tới làng nghề về thổ cẩm, một nghề rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt, trong phát triển du lịch, các buôn được chọn để phát triển du lịch cộng đồng thường kết hợp bảo tồn các ngành nghề truyền thống, hướng tới đa dạng sản phẩm từ thổ cẩm.

Thổ cẩm đã và đang gắn kết các dân tộc ở Tây Nguyên, khẳng định tình đoàn kết, xóa bỏ không gian và mọi ranh giới, đưa buôn làng và cuộc sống người dân hội nhập, giao thoa song vẫn giữ được nét đặc sắc riêng. Thổ cẩm với sức sống mới, vừa hội tụ, thể hiện sự đậm đà bản sắc các dân tộc, vừa làm cho mọi người ấm áp, gần gũi hơn, kiến tạo những giá trị tươi sáng cho cuộc sống hiện đại.

Có thể bạn quan tâm