Bạn đọc

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.

Chẳng hạn, theo truyền thuyết người Cơ Ho thì nguyên thủy con người là một khối. Nhờ người thợ rèn mà con người có các khớp xương, có hình dáng như ngày nay.

Nghệ nhân A Nêu đang tạo ra các sản phẩm từ sắt. Ảnh: Thanh Hòa/baothanhtra

Nghệ nhân A Nêu đang tạo ra các sản phẩm từ sắt. Ảnh: Thanh Hòa/baothanhtra

Trong các kim loại phục vụ đời sống thiết thân của con người thì sắt là thứ duy nhất mà người Tây Nguyên tự khai thác được. Người Mạ ở Lâm Đồng và đặc biệt là người Xê Đăng nhóm Tơ Đrá ở Kon Tum đã luyện được quặng sắt tự nhiên thành thép.

Theo Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn thì đặc sắc này của người thợ rèn Tơ Đrá sánh ngang với tài chế tạo nòng súng của người Mông ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Các khe suối vùng Ngọc Linh, Kon Plông-địa bàn cư trú lâu đời của họ vốn có loại quặng manhetit chứa hàm lượng sắt lên tới 98%. Khu vực này còn có một loại cát đen cũng do quặng sắt phân hủy, có tỷ lệ sắt đạt 96%.

Nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes đã miêu tả công việc luyện quặng thành thép của người thợ rèn Tơ Đrá như sau: “Họ nung quặng sắt gồm những hạt nhỏ trong than gỗ, đập lên những chiếc đe bằng đá rồi lại cho thêm quặng vào nung lại. Dần dần, lớp xỉ rơi ra, các hạt sắt dính kết lại và sau khi đập rất lâu, họ có được những tấm sắt nhỏ… Qua nhiều lần nung trong than, thứ sắt nung đỏ ấy giữ được carbon ở một số chỗ, khiến nó trở nên cứng hơn nếu người ta nhúng nó trong nước và có thể làm dao”.

Mỗi mẻ thép thường phải luyện liên tục trong thời gian 1 ngày đêm, khối lượng đủ rèn khoảng 15 chiếc rìu hay rựa, chất lượng không kém bao nhiêu các loại thép ngày nay. Sản phẩm của người Tơ Đrá cung cấp cho cả vùng Bắc Tây Nguyên và một phần các tỉnh Hạ Lào.

Trong ký ức xa xăm, ông Rơ Lan Thon (huyện Chư Prông) còn vài hình ảnh về người ông nội mình xưa từng là một thợ rèn. Bấy giờ, thợ rèn hiếm lắm. Cả vùng 6-7 làng mới có 1 người. Nguyên liệu sắt để rèn cũng hiếm. Lâu lâu, người ta mới đưa đến cho ông thanh sắt nhỏ bằng bàn tay, chỉ đủ rèn con dao nhỏ.

Công việc chủ yếu của ông là sửa chữa các dụng cụ bị cùn mẻ do người Kinh rèn đổi về. Lò rèn cũng rất đơn giản: Đe là một phiến đá màu đen rất cứng. Ống thổi hơi bằng đất sét nung nối với dạ dày con nai phơi khô. Hơi quạt lò sinh ra bằng cách ép vào-nhả ra từ chiếc túi da khô đó…

Mỗi năm chuẩn bị vào mùa rẫy mới là khoảng thời gian bận rộn nhất của ông: dao, cuốc, lưỡi rìu cùn mẻ các làng mang tới chất đầy cả một góc lều. Công thợ rèn được trả chủ yếu bằng lúa, heo, gà… tùy theo mức độ của công việc. Có thể nói trong làng, đây là “nghề” duy nhất mà người đàn ông thu được lợi ích vật chất.

Thế nhưng, dù “có giá” như vậy, trong năm người thợ vẫn chỉ mở lò chừng 2-3 tháng khi rỗi mùa như một thứ dịch vụ “tay trái”. Chưa bao giờ họ coi rèn là một nghề tách biệt. Việc sản xuất lương thực vẫn được coi trọng hơn.

Thợ rèn phải tuân thủ kiêng cữ nhiều điều. Với người Bahnar, nếu trong làng có người phạm tội loạn luân, ngoại tình mà chưa cúng Yàng tẩy uế thì thợ rèn phải nghỉ việc. Nếu muốn mở lò trở lại, người thợ phải sắm một lễ nhỏ để tạ Yàng.

Đối với người Xê Đăng, nếu trong làng có người phạm các tội trên đây, người có tội không những phải chịu nhiều hình phạt nặng nề của làng mà còn phải chịu một khoản phạt riêng cho người thợ rèn. Khoản phạt riêng đó (thường là heo, gà) thợ rèn sẽ dùng để cúng Yàng và lấy máu của chúng quệt lên đe, búa và các dụng cụ lò rèn. Họ cho rằng nếu không làm như vậy, các sản phẩm mình rèn ra sẽ hỏng hoặc không bao giờ như ý muốn.

Có thể bạn quan tâm