Trước đây, gia đình chị H’Thoại (làng Ngol) thuộc diện hộ nghèo. Nguồn thu nhập của gia đình trông chờ vào 200 cây cà phê già cỗi. Năm 2016, gia đình chị được hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, gia đình chị đã có đàn bò gồm 4 con.
Tiếp đó, đầu năm 2023, chị đăng ký tham gia lớp học nghề trồng rau an toàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với UBND thị trấn Đak Đoa tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, chị H’Thoại mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi để chuyển sang trồng rau an toàn.
Ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật, gia đình chị còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, giữ cho đất luôn đủ ẩm nên vườn rau sinh trưởng phát triển tốt. Bên cạnh đó, chị còn có nguồn phân hữu cơ bón cho vườn rau thay vì sử dụng phân hóa học.
Chị H’Thoại bộc bạch: “Vụ trước, 2 sào đất của tôi trồng đậu cô ve bán được gần 4 triệu đồng. Vụ này, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên sản lượng nâng lên đáng kể. Dự kiến thu được trên 7 triệu đồng. Thu hoạch xong, tôi sẽ cho đất nghỉ tầm 1 tuần rồi lại tiếp tục chuyển đổi sang loại rau khác để hạn chế sâu bệnh.
Vừa qua, tôi đã bán đi 1 con bò và vay thêm vốn để mua đất mở rộng sản xuất. Cuối năm 2023, qua bình xét của địa phương, gia đình tôi đã thoát hộ nghèo”.
Cũng như chị H’Thoại, chị Nor (thôn 1) đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật sau khi tham gia lớp đào tạo nghề nuôi và phòng bệnh cho trâu bò.
Chị chia sẻ: Tháng 9-2024, chị được cán bộ thôn vận động tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò. Kết thúc khóa học, chị đã nắm vững kỹ thuật nên áp dụng vào phát triển chăn nuôi của gia đình.
“Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên 2 con bò của gia đình tôi lớn nhanh, khỏe mạnh. Tôi đang chờ giá bò thịt tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán này để bán lấy tiền trang trải cuộc sống và tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi”-chị Nor vui mừng nói.
Bà Pier-Bí thư Chi bộ thôn 1-cho hay: Sau khi học nghề, bà con trong thôn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như phối giống, phòng bệnh và trồng cỏ… Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển tốt, ít bị bệnh. Việc học nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ, nhất là tận dụng thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình để cùng tham gia lao động.
Theo bà Phạm Thị Thu Trang-Công chức Văn hóa-Xã hội thị trấn Đak Đoa: Từ năm 2023 đến nay, thị trấn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 2 lớp đào tạo nghề với hơn 60 lao động tham gia.
Các học viên sau khi hoàn thành khóa học được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện cấp chứng chỉ nghề nên người dân tự tin áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất, mang lại năng suất, hiệu quả cao.
Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề đã góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 69 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm xuống còn 1,64% (tương đương 77 hộ) và 3,24% hộ cận nghèo (tương đương với 152 hộ) theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2022-2025.
Ông Trần Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đak Đoa-cho hay: “Thời gian tới, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách về đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn.
Cùng với đó tiếp tục phối hợp mở các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu của người dân. Đồng thời, rà soát nhu cầu học nghề tại các thôn, tổ dân phố cũng như vận động người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động.
Đặc biệt, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động đã qua đào tạo nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.