Thời sự - Bình luận

Thói quen và pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Theo luật này, sẽ cấm triệt để hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong người, tức là cấm mọi hành vi lái xe khi người điều khiển đã uống rượu, bia, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo).

 

 

Đáng chú ý là luật còn có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia… Những điều khoản này đã chú ý tới những biểu hiện tiêu cực dễ dẫn tới hậu quả xấu, đã từng xảy ra nhiều trong thực tế nên quy định để ngăn chặn.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia; góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là thực thi luật này ra sao, rất cần có các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp và triệt để, tránh tình trạng luật ban hành mà không thi hành hiệu quả. Chẳng hạn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành từ năm 2012 nhưng số người bị xử phạt vì hành vi hút thuốc lá nơi công cộng suốt 7 năm qua chỉ vài trăm người, dù cảnh vi phạm thì xảy ra nhan nhản, hầu như mọi lúc mọi nơi.

Với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, rất cần quy định rõ về các hành vi liên quan điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia và có chế tài nghiêm khắc với các hành vi này; việc cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia phải được thực thi triệt để như cách nước ngoài đã và đang thực hiện. Mặt khác, phải thay đổi các hành vi trong khi "ăn nhậu" theo hướng có văn hóa hơn. Con số người Việt tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới không phải là điều để vui hay tự hào, mà cần xem lại con số đó trong tương quan phát triển kinh tế - xã hội, an sinh, dân trí... và những chỉ số phát triển bền vững khác. Nước ta vẫn còn nhiều người say sưa trong rượu, bia và rượu, bia gây ra bao hệ lụy xã hội đau buồn. Nhiều người lấy tửu lượng đo tình bè bạn, ép người khác uống, bất chấp đó là phụ nữ hay người cơ địa dị ứng với rượu, bia. Từ rượu, bia xảy ra án mạng, bè cánh, bày mưu gây mất đoàn kết hay làm những điều sai trái... là những chuyện không khó thấy trong xã hội ngày nay.

Quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia... hay cấm chạy xe khi uống rượu, bia là rất đáng hoan nghênh, để không xúc phạm phẩm giá người khác, để an toàn cho cả nhân và cộng đồng. Luật pháp không chỉ là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới. Do đó, luật cần có tính khả thi, đi sâu vào đời sống xã hội, phát huy tối đa tác dụng.

Với những hành vi nghiêm cấm đưa vào luật, xét cho cùng, cũng chỉ là những thói quen. Dẫu biết thói quen thường khó bỏ nhưng khi pháp luật đã quy định, chế tài thì thói quen không tốt đó phải bị loại trừ.

 

Theo HOÀNG LAN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm