Những thông điệp mạnh mẽ từ phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc cho thấy quan điểm rõ ràng “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và nhiệm vụ phải khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá.
Đã có thời điểm, không ít cán bộ, đảng viên coi trọng những giá trị kinh tế, đặt “kinh tế thị trường” lên trên tất cả để rồi những giá trị văn hoá tốt đẹp bị mai một, lối sống và đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên xuống cấp khiến dư luận và nhân dân bức xúc.
Khái niệm văn hoá, theo như UNESCO định nghĩa: “Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lí tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lí. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩ mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”.
Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng định nghĩa: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Ở một nghĩa hẹp hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”.
Hội nghị Văn hoá toàn quốc với những tham luận, đặc biệt là phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy những quan điểm mang tính kế thừa và cũng rất sáng tạo đáp ứng thời kỳ mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Chủ thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá. Như vậy, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế”.
Có thể thấy rằng, chấn hưng văn hoá không chỉ là vấn đề của hiện tại mà còn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có tính chất lâu dài. Chấn hưng văn hoá không chỉ dừng lại ở một vài lĩnh vực, khía cạnh, mà còn ở tổng thể các mối quan hệ xã hội nhằm điều chỉnh hành vi của con người hướng tới “chân, thiện, mỹ”, hướng tới một xã hội văn minh, hiện đại.
Ở đây, có vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ, đảng viên trong việc nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói ngắn gọn: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” thì từng cán bộ, đảng viên phải là những hạt nhân của “ngọn đuốc” văn hoá ấy.
Hội nghị Văn hoá toàn quốc hôm qua (24.11.2021) đưa ra những giá trị và cũng là lời cảnh báo: Nếu mỗi cán bộ, đảng viên không trau dồi, tu luyện, bồi dưỡng văn hoá, đạo đức thì những cá nhân ấy tự tách mình ra khỏi xu thế, dòng chảy để đối diện với nguy cơ “tự chuyển hoá”, “tự diễn biến”.
Văn kiện Đại hội XIII hướng tới sự hưởng thụ và hạnh phúc của nhân dân mà nội hàm chính là người dân phải được sống, làm việc trong một môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thong-diep-manh-me-tu-chan-hung-van-hoa-977430.ldo
Theo Hoàng Lâm (LĐO)