Thời sự - Bình luận

Thông điệp từ WEF Đại Liên 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 tổ chức tại TP. Đại Liên (Trung Quốc) với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” thu hút sự tham gia của 1.700 đại biểu.

Diễn đàn là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, các mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện quan trọng này đã truyền đi thông điệp về một Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF Đại Liên năm nay có nhiều ý nghĩa quan trọng, được cho là dịp để Việt Nam nắm bắt và đóng góp tiếng nói trong những vấn đề, xu thế mới, nội hàm mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới; trao đổi về tư duy phát triển, quản trị ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu. Đồng thời, tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước và đối tác, tổ chức quốc tế, khẳng định vai trò và vị thế của nước ta với cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính trở thành một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự hội nghị lần thứ 3 liên tiếp cho thấy WEF và Trung Quốc hết sức coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về đổi mới, hội nhập và phát triển.

Diễn đàn có nhiều chương trình hoạt động dày đặc, liên tục, cả song phương và đa phương, trong đó, đáng chú ý là lần đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc toàn thể cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong buổi sáng 25-6. Chia sẻ câu chuyện thành công của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới bằng tất cả tinh thần sáng tạo và chủ động hội nhập, Thủ tướng đã mang đến cho bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam từng bị tàn phá nặng nề sau 30 năm chiến tranh và bao vây cấm vận đã vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó cho thấy Việt Nam xứng đáng được cộng đồng quốc tế coi là hình mẫu trong hàn gắn, khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai và thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam mang tính nguyên tắc xuyên suốt là: Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Để hướng tới “Những chân trời tăng trưởng mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên cùng xây dựng lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu, nhất là trong 3 lĩnh vực quan trọng: xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, chủ yếu là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bằng tất cả sự chân thành, trách nhiệm, người đứng đầu Chính phủ nước ta đã gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp về một Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực vì một Cộng đồng ASEAN vững mạnh toàn diện, đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WEF và các đối tác thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; nỗ lực duy trì và không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Có thể bạn quan tâm