Phóng sự - Ký sự

Thủ Đức - Khát vọng phát triển - Kỳ 1: Ngày xưa Thủ Đức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các cơ quan chức năng TP.HCM và ba quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 đang khẩn trương tiến hành công việc để chuẩn bị ra đời thành phố Thủ Đức đầy khát vọng phát triển.
 

Khu mộ ông Tạ Dương Minh, người sáng lập chợ Thủ Đức xưa Ảnh: TỰ TRUNG
Khu mộ ông Tạ Dương Minh, người sáng lập chợ Thủ Đức xưa - Ảnh: TỰ TRUNG


Đó là những khát vọng đô thị sáng tạo kết nối với thành phố thông minh, cư dân văn hóa cao, khoa học - kỹ thuật hiện đại, làng đại học, khu công nghệ cao, khu dân cư cao cấp, văn minh...

Những giấc mơ của Thủ Đức từ trăm năm đang thành hiện thực.

Hơn 20 năm tách quận (từ năm 1997), nhiều khu vực quận 2, quận 9 đã mau chóng có bộ mặt mới với những con đường, khu dân cư, cao ốc san sát đến khó nhận ra còn chốn nào xưa cũ. Trong khi ấy thì khu lõi trung tâm Thủ Đức với ngôi chợ cùng tên vẫn như bình thản. Vẻ bình thản của trăm năm nước chảy qua cầu.

"Thuở xưa ông Tạ Dương Minh..."

Từ chợ Thủ Đức xuôi xuống đường Võ Văn Ngân vài trăm mét, rẽ vào một con đường nhỏ, giữa khu dân cư bỗng xuất hiện một ngôi mộ cổ rêu phong, xem ngày tháng đã 130 năm. Mộ xây bằng vật liệu đá ong kết hợp với gạch, bên ngoài trát lớp ô dước, hai vòng tường bao xung quanh, một bình phong tiền, hai bình phong hậu, một cửa phía ngoài, một cửa phía trong. Nấm mộ hình con trâu đang ngủ nằm an yên ở giữa, kiểu tạo hình "Ngưu miên" tiêu biểu của những ngôi mộ cổ cuối thế kỷ XIX.

Bia khắc chữ Hán: "Đại Nam. Linh Chiểu Đông thôn tiền hiền, húy Huy, hiệu Thủ Đức, Tạ phủ quân chi mộ. Tuất ư lục nguyệt thập cửu nhật. Canh Dần niên nhị nguyệt cát nhật, bản thôn hương chức tạo" (dịch: Đại Nam. Mộ ông họ Tạ, húy Huy, hiệu Thủ Đức, là tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông, mất ngày 19-6. Hương chức bản thôn lập mộ ngày lành năm Canh Dần 1890).

Thì ra đây chính là ngôi mộ được tác giả Nguyễn Liên Phong ghi lại trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (nhà in Phát Toán, 1909, Sài Gòn): "Thuở xưa ông Tạ Dương Minh/ Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày/ Mả người cải táng mới đây/ Bởi làng xin bạc đổi thay mộ phần/ Quan trên niệm nghĩa thi ân/ Cho ba trăm rưỡi trùng tâm giai thành/ Hương chức ở rất hậu tình/ Mỗi năm ngày kỵ xanh quanh tới đều".

Ngoài vòng tường bao, còn một tấm bia nữa ghi dấu mộ được tôn tạo và công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố năm 2007, với câu chuyện chi tiết hơn: "Tiền hiền Tạ Dương Minh (tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức) là một trong những người thuộc nhóm "phản Thanh phục Minh" từ Trung Quốc sang nước ta, được chúa Nguyễn cho phép định cư tại vùng Linh Chiểu Đông. Trong những năm 1667-1725, tại vùng Linh Chiểu Đông, tiền hiền Tạ Dương Minh và nhóm người Hoa cùng cư dân Việt sống tập trung, hợp sức khẩn hoang, trồng trọt, chăn nuôi, và chống chọi với bệnh tật, thú dữ, đồng thời lập chợ để điều tiết nhu cầu mua bán, giao thương của thị trường, phù hợp với vùng đất mới đang đà phát triển. Ngôi chợ được mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Tên hiệu của ông cũng được dùng chính thức để gọi tên vùng đất Thủ Đức qua các thời kỳ cho đến nay".

Trước 1975, con đường Hồ Văn Tư trước chợ Thủ Đức được mang tên Tạ Dương Minh và bài vị thờ Ông cũng ở đó. Nay đường đã đổi tên, bài vị được dời sang đình Linh Đông. Quanh khu mộ Ông Thủ Đức, nay là những tiệm cơm, uốn tóc, lớp học thêm; còn thuở xưa, khi ông đến khai khẩn thì là rừng già, là cọp beo. Ông già Nam bộ Sơn Nam ghi lại chuyện những năm đầu thế kỷ XX: "Ánh đèn điện chỉ rọi sáng khu trung tâm thành phố. Phía ngoại ô từ rạch Thị Nghè đi Bà Chiểu, nhà cửa thưa thớt, ban đêm tối om. Phía Thủ Đức, ở trảng Ông Khê, thỉnh thoảng cọp về phá rối. Trong xóm luôn luôn có sẵn những tấm vỉ to kết bằng cau già róc ruột, chẻ từng nan nhỏ gọi là "khại" để ví cọp. Đám người lực lưỡng đốn cây cho sạch rồi đẩy "khại" từ nhiều phía để siết vòng vây. Lần hồi cọp lúng túng, trong vòng rào càng thâu hẹp vì nan cau cứng và dẻo có công dụng không thua gì sắt...".

Mồ hôi, xương máu của người xưa đã thấm vào đất này tới mấy tầng.


 

Chợ Thủ Đức cổ xưa giữa đô thị hiện đại - Ảnh: TỰ TRUNG
Chợ Thủ Đức cổ xưa giữa đô thị hiện đại - Ảnh: TỰ TRUNG


Những chữ "Thần" vàng

Sử gia Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí: "Đường quan lộ bên tả thành Gia Định từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ, qua sông Bình Đồng mà đến trấn Biên Hòa... Đường thiên lý phía bắc, lúc mới mở mang đường đi từ phía bắc Cầu Sơn đến Bình Giang, ruộng chằm đầy bùn, đường bộ chưa mở, hành khách muốn đi Biên Hòa hoặc lên Băng Bọt đều phải đi đò dọc. Đến năm Mậu Thìn Thế Tông năm thứ 11 (1748) có việc ở Cao Miên, Điều khiển Nguyễn Phúc Doãn mới chăng dây mà mở thẳng đường này, gặp ngòi suối thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì xếp xây đắp đất. Từ cửa Cấn Chỉ của thành đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm. Bờ bắc về đất Biên Hòa thì đặt trạm Bình Đồng, phía bắc đi núi Chiêu Thái đến bến đò Bình Tiên, qua bến Sa Giang (Rạch Cát) do đường sứ Đồng Hạm xuống Đồng Muôn đến Mỗi Xoài, gọi là Đường Thiên lý. Khi đi qua sông lớn thì lệ đặt thuyền chở đò, miễn cho giao dịch".

Con đường thiên lý, đường quan lộ ấy chính là đường Kha Vạng Cân hiện nay, cho đến tận năm 1960 vẫn còn là quốc lộ, con đường độc đạo nối Sài Gòn với Biên Hòa, ra các tỉnh miền Trung. Trên con đường ấy là làng mai, làng nem Thủ Đức lừng danh suốt nhiều thập kỷ. Đi đâu xa về, chiều chiều xe sẽ đưa khách ghé chợ Thủ Đức mua nem làm quà. Mùa tết đến, người thành phố nhất định phải xuống Thủ Đức chọn một cây mai tràn nụ lắm lộc.

Đến hôm nay thì nem và cả mai Thủ Đức đã phải lùi bước trước vô số của ngon vật lạ kỳ hoa dị thảo nơi nơi đổ về TP.HCM, nhưng những chuyện xưa ở Thủ Đức vẫn còn được truyền lại. Như bản ghi chép của cụ ông Thiều Văn Phương về những ngôi làng của Tổng An Thổ, tỉnh Gia Định. Mấy chục trang pơ-luya ố màu được viết theo phong cách biên khảo địa phương chí của người gắn bó máu thịt với vùng đất. Ông kể về làng Bình Đức có bưng cấy lúa, có gò rẫy rất hợp với dưa leo, dưa bở nên sinh ra cái tên chợ Gò Dưa; làng Bình Phú, Bình Phước trồng mía nên lập nhiều lò đường; Bình Chánh trồng mai vàng bán tết, làng Bình Triệu có ga xe lửa, còn làng Bình Đường có nghề làm sáo trúc... Chín làng hồi ấy có 10 ngôi đình thờ Thần mà qua bao biến động lịch sử, những thế hệ già làng vẫn cố công gìn giữ, tôn tạo.

Dòng cuối tha thiết như nước mắt: "Tôi tường trình viết ra đây để nhắc nhở: những bậc tiền hiền, hậu hiền đã khai hoang phá thạch, đuổi thú dữ, lập nên thôn xóm, khoanh thành ruộng đất, đặng cho dân tình đến lập nghiệp, an cư. Dân chúng nghĩ tới công sức các bậc tiền nhân, lập ra ngôi đình để thờ phụng. Mỗi năm đến ngày vía lễ cầu an, đồng bào đến chiêm bái, đốt nén hương trầm ghi nhớ: cây có cội nước có nguồn, từ ngọn rau tấc đất mà ta nên cơ nên nghiệp. Nhắc gốc tích để mà những người di cư, nhập cư, định cư, lưu cư, canh cư... biết thương làng mến xã".

 


Thấy có người lạ, bà Anh Thư, nhà ngay bên khu mộ, vội mở cửa sang dọn mấy cành hoa héo, thắp lại nhang. Bà bảo: "Má chồng tôi đã hơn 90 tuổi sinh ra ở đây, lớn lên ngay bên cạnh ngôi mộ này. Bà dặn nhà ở đây thì phải thường xuyên sang quét dọn, mình không phải con cháu nhưng Ông chính là người ơn của cả khu này. Nhiều tiểu thương bên chợ Thủ Đức cũng thường sang đây khấn Ông phù hộ cho buôn may bán đắt. Đến ngày kỵ giỗ mười chín tháng sáu âm lịch thì họ đến đông lắm... Tôi cũng dặn con cháu tôi như vậy".



Mới cách đây không lâu, từ quận 1 chỉ mất 10 phút qua phà đã thấy như ở giữa miền Tây ...

------------------
Kỳ tới: Cách một dòng sông

 

Theo PHẠM VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm