Phóng sự - Ký sự

Thủ Đức - Khát vọng phố đông - Kỳ 2: Cách một dòng sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ hơn chục năm trước thôi, ai bước lên phà từ trung tâm quận 1 sang Thủ Thiêm cũng sẽ tưởng như đã cập bến miền Tây vỏn vẹn trong 10 phút.

Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm Sài Gòn một con sông - Ảnh TỰ TRUNG
Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm Sài Gòn một con sông - Ảnh TỰ TRUNG


Sông Sài Gòn lộng gió. Bề ngang sông không lớn lắm nhưng lại đủ để tách Thủ Thiêm ra khỏi Sài Gòn suốt mấy thế kỷ với khoảng cách trời - vực. Bến phà Thủ Thiêm mới chỉ ngưng hoạt động năm 2012. Khu đô thị mới Thủ Thiêm hôm nay vừa khởi phát. Đằng sau bao vấn đề thời sự của cái tên Thủ Thiêm gần đây là những hoài niệm về một Thủ Thiêm đẹp đẽ, yên bình, lặng lẽ như dòng sông.

Con đò Thủ Thiêm

Chỉ hơn chục năm trước thôi, ai bước lên phà từ trung tâm quận 1 sang Thủ Thiêm cũng sẽ tưởng như đã cập bến miền Tây vỏn vẹn trong 10 phút. Dấu ấn miệt đồng đậm đặc từ những con rạch quanh co, đám dừa nước đặc mịt, những cái tên Cá Trê, Cây Bàng, Ông Cậy, Rạch Lá, Bần Cụt, những dãy nhà cắm trên bãi sông, con rạch, những chiếc ghe, chiếc đò...

"Chúng tôi đã gặp và ghi nhận một Thủ Thiêm thôn dã, sông nước" - PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, nhắc lại những ngày bà và đồng sự ngang dọc các con rạch Thủ Thiêm để thực hiện đề tài Xây dựng Thủ Thiêm như một điểm nhấn của truyền thống lịch sử - văn hóa TP.HCM trước khi dự án khu đô thị mới triển khai.

Lật giở những tập ảnh, tài liệu ghi chép được giữ lại, một Thủ Thiêm đa sắc hiện ra. Dọc đường Bờ Sông là dãy nhà ngói kiểu biệt thự, kiến trúc đầu thế kỷ XX, với hàng hiên, sân vườn phía trước. Tiếp đó là những nhà tường mái ngói được xây dựng từ những năm 1970, nhà vách gỗ mái tôn của những năm 1980, rồi những dãy nhà cắm trên rạch chắp vá bằng đủ loại vật liệu nhẹ, tạm bợ như sắt, tôn, gỗ, gạch, nhựa, lá...

Dấu tích rất rõ ràng của các đợt nhập cư vào Thủ Thiêm qua các thời kỳ lịch sử: đầu thế kỷ XX, 1945, 1954, 1975.

Đối diện trung tâm Sài Gòn, Thủ Thiêm tiếp nhận dân tứ xứ đến cư ngụ, trở thành vùng đất rất đa dạng các hình thức văn hóa, tín ngưỡng. Không chỉ có các ngôi đình thờ tiền hiền, hậu hiền khai phá đất đai, mở ra nghề truyền thống như đền An Lợi Đông, An Khánh, An Lợi Vạn, mà còn có đền thờ Ngũ Hành Nương Nương, thờ Bà Chúa Xứ, thờ vua, thần Đất, thần Nông của người miền Tây, những tín ngưỡng miền Bắc như đền thờ Quan Bơ, Cô Bơ, Đức Thánh Trần…

"Tất cả họ đều trở thành những người Thủ Thiêm chất phác, sống quanh năm với sông nước, ruộng vườn trong những ngôi nhà đơn sơ, con thuyền bồng bềnh, những chuyến đi chơi quận 1" - bà Tôn Nữ Quỳnh Trân nói như một hoài niệm.

Những người thực hiện đề tài này đã đi vào từng căn nhà để chụp ảnh những chài, lưới, vợt, cần dùng để bắt cá treo trên vách; những dao, xảm để trét chai ghe; những chiếc đò có mui chở khách qua sông, ghe chở nước ngọt; những cầu ván, sàn nước, cối đá, lu khạp; ghi lại những món ăn đặc sắc Thủ Thiêm: bắp non nướng lửa lò, bánh xèo ăn với lá đọt mọt - kèo nèo - hẹ nước - xoài non, cá, ốc, tôm, cua, ếch, rắn...

Những buổi lễ chùa, cúng Kỳ Yên, dâng hương đình, miễu thổ thần, thủy long đầy thành kính; chuyện về ông Cả Mười (Lê Văn Mười) từ Đa Phước (Bình Chánh) đến Thủ Thiêm khai hoang từ cuối thế kỷ XIX, khai lập đình An Lợi Đông và được dân làng tín nhiệm bầu làm Hương Cả cũng được ghi lại.

Thủ Thiêm hồi đầu thế kỷ XXI này vẫn còn cảnh như đầu thế kỷ XX nhà thơ Nguyễn Liên Phong mô tả cảnh hai bên sông Sài Gòn: "Cá Trê, Giồng Tố, Nhà Bè/ Hai bên ruộng lúa ngó mê cả đồng".

"Đến hôm nay, tất cả sắp đi vào quá khứ rồi" - bà Tôn Nữ Quỳnh Trân tâm sự. Thế nhưng lịch sử Thủ Thiêm vẫn còn dấu tích trăm năm: nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá, dòng tu nữ đầu tiên, được khai sinh năm 1670 ở Đàng Ngoài. Ngót hai trăm năm sau, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng được hình thành. Và năm 1840, bước chân đầu tiên của họ đã đặt lên Thủ Thiêm.

Thủ Thiêm khi ấy thuộc huyện Nghĩa An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, cây còn như rừng, dừa nước bạt ngàn, kênh rạch chằng chịt, thú hoang sống tự do, ven sông rải rác vài mái nhà lụp xụp người Miên lẫn người Việt.

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành lập, chỉ là một mái lá tựa vào một gốc me. Các nữ tu khai hoang vỡ đất làm ruộng, trồng lúa, trồng rau, bắt cá... tự lo cho cuộc sống. Các chị bảo nhau học chữ, học toán, học nghề dệt vải, may vá, học làm thuốc nam.

Các chị thăm viếng làng xóm, dạy dỗ trẻ em, chữa bệnh người già, giúp đỡ người neo đơn. Có khoảng thời gian thú dữ về đe dọa, các nữ tu phải rút về bên kia sông, tá túc ở chợ vải Bến Thành, nhưng rồi mái lá, gốc me Thủ Thiêm vẫn là nơi họ chọn để quay về.

Công khó rồi cũng được đền đáp. Ruộng vườn mở rộng, trâu bò được mua thêm, nhà dòng tổ chức được những hoạt động nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt chiếu ngoài những ruộng lúa, vườn rau. Nhà cửa được xây dựng thêm, nhiều thiếu nữ xin theo tu học, nhiều người dân cũng đến làm việc. Rồi trại cô nhi, trường học được xây dựng và ngày một đông tiếng trẻ cùng với nhu cầu của xã hội trước biến động Nam kỳ rơi vào tay quân Pháp, trước không khí chiến tranh đậm đặc suốt bao năm bủa vây Sài Gòn…

Hôm nay, bước vào khuôn viên tu viện, nơi lao xao nhất vẫn là Trường mẫu giáo Cỏ Non được đặt một bên cổng. Tiếng trẻ cười, trẻ khóc, trẻ hát, tiếng phụ huynh chào thưa với các sơ, mua sữa tươi, yaourt - những món thanh sạch mà tu viện tự sản xuất.

Còn lại vẫn là lặng lẽ, bình an, cỏ vẫn xanh, gốc me trăm năm cũ vẫn tươi tốt, tòa nhà tu viện được xây dựng lại năm 1956 vẫn đứng đó, khiêm nhường mà vững chãi, vẫn là điểm đến đặc sắc của vùng Thủ Thiêm.


 

Dòng Mến Thánh Giá trải cùng lịch sử Thủ Thiêm - Ảnh TỰ TRUNG
Dòng Mến Thánh Giá trải cùng lịch sử Thủ Thiêm - Ảnh TỰ TRUNG



Cầu nối trăm năm

Năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển đã tổ chức một buổi hội thảo khoa học với các chuyên gia văn hóa, đô thị, song song với các cuộc khảo sát thực địa.

Hàng loạt vấn đề được đặt ra: Giải quyết hòa hợp giữa hiện đại và truyền thống như thế nào? Chuyển tải các giá trị văn hóa, lịch sử của Sài Gòn - TP.HCM vào các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và tổ chức sinh hoạt dân cư ra sao?

Làm sao để việc quy hoạch mới, "làm lại từ đầu" sẽ không xây dựng nên một thành phố mới lạnh lẽo mà vẫn mang được dáng dấp Sài Gòn, linh hồn Thủ Thiêm?...

Cảnh quan sông rạch trên bến dưới thuyền như đã được mô tả trong Gia Định thành thông chí: "Chợ Bình Quí (tục gọi là chợ Thủ Thêm), thuộc huyện Bình An, trấn Biên Hòa. Trước, thuyền tây dương cắm neo ở đấy, dân ở đây theo đến mua bán thịt, trái cây, thực phẩm" và bến phà Thủ Thiêm gắn bó trăm năm được khuyến nghị bảo tồn để khai thác du lịch.

"Không gian mở của sông rạch chảy ngang dọc trong thành phố tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với thiên nhiên, dẫn đưa gió mát và không khí trong lành vào tận những khu nhà ở. Những không gian vườn hoa rất cần được sáng tạo và chú trọng để sử dụng làm không gian văn hóa, bảo tồn những công trình tôn giáo giá trị, là những đặc trưng độc đáo của Thủ Thiêm" - kết luận hội thảo nhấn mạnh.

Một nội dung quan trọng không kém là con người: "Chúng ta phải kiên quyết hướng tới ở Thủ Thiêm sự ra đời một cộng đồng đô thị song sinh hiện đại, cộng sinh hòa hợp với thành phố hiện hữu, cởi mở, cân bằng về xã hội và có bản sắc, bao gồm một số lượng cư dân Thủ Thiêm cư trú và làm việc tại khu đô thị mới, tham gia vào cơ cấu dân cư…".

Những người dân gắn bó máu thịt với Thủ Thiêm từ cả trăm năm cũng không mong gì hơn thế.

 


Cuối thế kỷ XVII, Thủ Thiêm thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên thuộc phủ Gia Định, xứ Đồng Nai. Trên sông Tân Bình (sông Sài Gòn), chính quyền cho lập hai đồn binh để kiểm soát việc đi lại và phòng thủ cho thành Gia Định: đồn Tả Định (tức đồn Cá Trê) phía Trấn Biên, và đồn Hữu Bình phía Sài Gòn. Đây cũng có thể là nguồn gốc của cái tên Thủ Thiêm.


Ngay cửa ngõ Sài Gòn, nhưng suốt 30 năm chiến tranh, Bưng sáu xã đã là lõm căn cứ của những người cách mạng.

 

-----------------------

Kỳ tới: Bưng sáu xã anh hùng
 

Theo PHẠM VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm