Ngày 5/5, tại Đội Quản lý thị trường số 2, đại diện Cục Quản lý thị trường Kon Tum và các đơn vị ở huyện Đắk Tô đã tổ chức tiêu hủy 14kg củ và lá giả sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Tiêu hủy 14kg củ và lá giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN) |
Vào lúc 15 giờ ngày 5/5, tại Đội Quản lý thị trường số 2, Hội đồng xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm đại diện Cục Quản lý thị trường Kon Tum và các đơn vị ở huyện Đắk Tô tổ chức tiêu hủy 14kg củ và lá giả sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Đây là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu vào 1/3 vừa qua.
Theo đó, đối với 2kg củ giống sâm Ngọc Linh, lực lượng chức năng đã dùng xe cán nát, sau bỏ vào thùng cùng với 12kg lá sâm để đốt tiêu hủy hết.
Trước đó, TTXVN đưa tin sáng 1/3 vừa qua sau 1 thời gian theo dõi, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 thùng xốp để ven đường bên ngoài ghi hoa phong lan Đắk Tô, không có địa chỉ người gửi, người nhận. Số hàng trên được gửi từ xe khách chạy từ các tỉnh phía Bắc vào thả dọc trên đường.
Sau khi kiểm tra 3 thùng xốp trên, lực lượng chức năng phát hiện có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ.
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết qua nguồn tin báo của nhân dân, sau 2 tháng mật phục, theo dõi, nắm quy luật hoạt động Đội Quản lý thị trường số 2 và Công an huyện Đắk Tô mới phát hiện vụ việc, tổ chức vây bắt giữ số hàng trên. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã bỏ hàng để lẫn trốn.
Đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán cho người tiêu dùng. Đây là lần đầu tiên Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện vụ việc trên.
Huyện Đắk Tô là địa bàn nóng về tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả. Theo đó, các đối tượng buôn lậu thường thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh ngoài miền Bắc để đưa vào địa bàn huyện Đắk Tô rồi đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán cho người tiêu dùng. Việc làm trái pháp luật trên ảnh hưởng lớn đến uy tính, thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Hiện tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cụ thể, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô trồng gần 20ha, Công ty Cổ phần Vingin (trồng 200 ha) và Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha).
Sâm Ngọc Linh được gọi là “Quốc bảo” nên thời gian qua rất nhiều tư thương đã lợi dụng thương hiệu này để bán hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)