Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Giảm thiểu tác động môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng, góp phần giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Tích cực thu gom, xử lý
Huyện Ia Grai được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã xây dựng được 376 bể thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đặt tại các cánh đồng thuộc 13 xã, thị trấn của huyện. Đặc biệt, huyện cũng đã chủ động liên hệ với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Môi trường Việt (tỉnh Lâm Đồng) để xử lý rác thải nguy hại với tổng số rác đã xử lý đến thời điểm hiện tại là trên 5 tấn. Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: Để làm tốt công tác thu gom và xử lý rác thải BVTV, ngoài việc được huyện hỗ trợ về kinh phí, Phòng cũng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng đúng nơi quy định; đồng thời, thường xuyên kiểm tra và di dời các bể đến nơi thuận tiện cho người dân thu gom.
Trong khi đó, dù mới triển khai từ đầu năm 2018 nhưng đến nay huyện Chư Pưh cũng đã xây dựng được 19 bể chứa bao bì đựng thuốc BVTV tại các xã Ia Le, Ia Hrú. Cùng với đó, huyện cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phân loại và bỏ rác đúng quy định. Theo ông Nguyễn Thanh Quang-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, nhờ có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của huyện, công tác quản lý chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động nông nghiệp như chai lọ, bao đựng thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng việc xây dựng bể thu gom ra toàn huyện, trước mắt chú trọng những khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm.
 Có bể đựng, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV tại cánh đồng của làng Kênh Săn (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) không còn nữa. Ảnh: H.T
Có bể đựng, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV tại cánh đồng của làng Kênh Săn (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) không còn nữa. Ảnh: H.T
Dẫn chúng tôi tham quan một số cánh đồng có đặt bể chứa bao bì đựng thuốc BVTV, ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho biết: Trước đây, sau khi sử dụng thuốc BVTV, người dân thường có thói quen vứt các chai lọ, bao bì ở bờ ruộng, nương rẫy, khe suối. Tháng 10-2018, xã xây dựng 10 bể đựng rác thải đặt tại các cánh đồng theo đúng quy định và có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng” nhằm tránh tình trạng người dân bỏ lẫn lộn rác thải nguy hại với rác thải sinh hoạt; đồng thời, chỉ đạo hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Ông Siu Thuân-Trưởng thôn Kênh Săn (xã Ia Le) cho hay: “Trước đây, mỗi lần phun thuốc cho ruộng lúa xong, mình vứt chai lọ trên bờ ruộng. Thời gian gần đây, mình đều bỏ vào bể, đồng thời vận động người dân không vứt rác thải BVTV bừa bãi”.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Hiện nay, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai thực hiện việc thu gom và xử lý bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng. Theo đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.366 bể đặt tại các cánh đồng. Những địa phương xây dựng được nhiều bể là Mang Yang, Ia Grai, Kbang, Pleiku. Đặc biệt, một số địa phương đã chủ động trong việc hợp đồng với các đơn vị chức năng để xử lý bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng như Ia Grai, Kbang...
Tuy nhiên, hoạt động thu gom rác thải BVTV vẫn còn gặp một số khó khăn như: kinh phí hạn hẹp, chủ yếu là ngân sách tự cân đối của huyện, xã; cán bộ chưa được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực chất thải nguy hại. Trong khi đó, kiến thức và ý thức phân loại, xử lý các loại chất thải nguy hại của người dân vẫn còn hạn chế, nhiều nông dân vẫn còn thói quen chôn lấp hoặc đốt; công tác xử lý chất thải nguy hại còn gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ chức năng về pháp lý để xử lý loại chất thải này...
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hồng Quyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng nếu không được thu gom sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, nguồn nước và sức khỏe con người. Hiện nay, tỉnh đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, số lượng bao gói thuốc BVTV được người dân sử dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp khá nhiều. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương lồng ghép công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức thu gom bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường; hướng dẫn các địa phương trong việc vận chuyển, xử lý rác thải BVTV thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng như tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, xử lý rác thải BVTV nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất”-bà Quyên cho biết thêm.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm