Thời sự - Bình luận

Thứ hạng và giá trị thật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trước thông tin về thứ hạng của một số trường ĐH VN trong các bảng xếp hạng thế giới, không ít người ngỡ ngàng đặt câu hỏi vì sao trường A lại có thể đứng cao hơn trường B, C, D… khi các trường kia có truyền thống đào tạo uy tín và chất lượng hàng đầu trong nước? Thắc mắc này cho thấy còn nhiều vấn đề liên quan đến việc xếp hạng các trường ĐH.

Theo xu thế, hiện nay các trường ĐH ở VN đều đặt mục tiêu có một vị trí nhất định trong các bảng xếp hạng thế giới, nhất là của những tổ chức danh tiếng. Dù còn tranh cãi và ít nhiều phản đối xung quanh cách đánh giá của các bảng xếp hạng này nhưng theo các chuyên gia, đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh các trường ĐH phải cạnh tranh về chất lượng, uy tín và hội nhập toàn cầu. Nói một cách đơn giản, qua các bảng xếp hạng mới có cơ hội để thế giới biết đến trường của VN, từ đó có điều kiện nâng cao hợp tác quốc tế, đạt được vị trí trên bản đồ khoa học thế giới… Chưa kể lợi ích trước mắt là có thứ hạng tốt thì việc tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn.

Dù vậy, nếu đi con đường thực chất thì để có được vị trí nhất định trong các bảng xếp hạng là một hành trình lâu dài, gian nan và đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Bởi để thỏa mãn mọi tiêu chí của các bảng xếp hạng là điều không dễ dàng. Chẳng hạn một trong những bảng xếp hạng uy tín hiện nay là Times Higher Education (THE) của Anh quốc sử dụng 13 tiêu chí với các chỉ số được chia làm các nhóm như môi trường học tập, nghiên cứu, trích dẫn khoa học, triển vọng quốc tế, thu nhập nhờ chuyển giao tri thức... Bù lại, nếu trường được xếp hạng đúng với sự đầu tư nghiêm túc thì người học sẽ được hưởng lợi. Chẳng hạn họ sẽ được hướng dẫn nghiên cứu, giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên chất lượng hàng đầu; được học tập trong môi trường học thuật đạt chuẩn quốc tế; được các trường ĐH hàng đầu trên thế giới thừa nhận giá trị…

Tuy nhiên, cũng do hành trình gian nan mà nhiều trường lại muốn đi tắt nên đã dùng đến "tiểu xảo" để tác động đến số lượng bài báo khoa học quốc tế, tiêu chí mà theo các chuyên gia là nhiều kẽ hở nhất. Trong đó, trường sẽ tập trung vào chuyện tăng số lượng bài báo khoa học theo kiểu "mua bán" thay vì dùng tài chính để đầu tư vào con người thật sự hoặc nâng cao chất lượng cho người học. Đi theo con đường này rõ ràng không phải là sự phát triển bền vững. Đó là chưa kể người học không hưởng lợi gì nhiều dù trường được xếp hạng cao bởi sự phát triển này là không dựa vào thực lực.

Như bất kỳ vấn đề nào, "cuộc đua" xếp hạng luôn có 2 mặt. Mặt tốt thì như đã phân tích, còn mặt trái sẽ khiến các trường "bất chấp" để đạt được tiêu chí, chẳng hạn như dùng "tiểu xảo" tăng số bài báo khoa học hoặc cung cấp số liệu, thông tin không chính xác. Và do mải mê theo đuổi những điều này mà các trường dễ quên đi những yếu tố quan trọng đối với sứ mạng của một trường ĐH.

Thời gian qua, việc hàng loạt trường ĐH hàng đầu thế giới tẩy chay các bảng xếp hạng toàn cầu là một chỉ dấu cho thấy thứ hạng không còn là mục tiêu tối thượng các trường theo đuổi. Điều này ở chừng mực nào đó giúp mọi người nhận ra giá trị của một trường ĐH không chỉ là những gì "lấp lánh" mà là những lợi ích thật sự cho người học, giúp họ có những thay đổi căn cơ khi được đào tạo từ đây.

Có thể bạn quan tâm