Thu hồi đất lấn chiếm và trồng rừng trên địa bàn Gia Lai: Vướng mắc cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh Gia Lai về việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước hình thành phong trào trồng rừng trong nhân dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai kế hoạch này vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. 
Chủ động kê khai đất lấn chiếm và trồng rừng
Tại làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ), phong trào trồng rừng được người dân hưởng ứng rất tích cực. Từ năm 2017 đến nay, người dân trong làng đã trồng rừng được gần 230 ha, chiếm gần 70% tổng diện tích rừng trồng của xã Phú An và chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của huyện. Anh Đinh Truynh (làng Đê Chơ Gang) cho biết: Gia đình anh có 9 ha đất trồng mía, mì. Năm 2014, gia đình chuyển đổi hơn 5 ha sang trồng bạch đàn. Sau 4 năm, diện tích bạch đàn đã cho thu hoạch, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng mía, mì. “Thấy vậy, năm 2018, gia đình tôi đã chuyển hết 4 ha còn lại sang trồng keo lai. Hiện cây phát triển rất tốt do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Tôi hy vọng sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ trồng rừng”-anh Truynh vui vẻ nói.
Lực lượng chức năng kiểm tra diện tích rừng tại huyện Kbang. Ảnh: L.N
Lực lượng chức năng kiểm tra diện tích rừng tại huyện Kbang. Ảnh: L.N
Theo ông Võ Văn Thơm-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Pơ: “Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 126 đợt tuyên truyền với 6.280 lượt người dân tham gia. Huyện cũng đã triển khai trồng được 823 ha rừng, trong đó hơn 765 ha rừng sản xuất, 58 ha trồng cây phân tán. Trong khoảng thời gian trên, huyện đã hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng cho người dân trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”. Cũng theo ông Thơm, hiện nay, hầu hết diện tích rừng trồng đang phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 95-98%. Các hộ dân đang chăm sóc, phát dọn thực bì, tỉa cành, làm đường ranh cản lửa phòng-chống cháy rừng mùa khô.
Tương tự, tại huyện Chư Pưh, ông Bùi Như Hòa (thôn Đoàn Kết, xã Ia Blứ) cho biết: “Tôi thấy chính sách hỗ trợ trồng rừng của Chính phủ là rất tốt, giúp người dân có tiền mua giống, chăm sóc rừng. Năm 2018, nhà tôi trồng 2 ha keo lai, hiện cây phát triển rất tốt. Năm 2019, gia đình tôi tiếp tục đăng ký với huyện để trồng thêm 2 ha nữa”. Nói về công tác trồng rừng trên địa bàn, ông Phạm Văn Đạo-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Pưh-cho hay: Đến nay, huyện đã tổ chức được 83 đợt tuyên truyền, họp dân với 3.646 lượt người tham gia để triển khai công tác kê khai diện tích sản xuất nương rẫy trên đất lâm nghiệp và đăng ký trồng rừng. Qua đó, người dân đã tự nguyện kê khai 1.841 ha và triển khai trồng rừng được hơn 336 ha.
Còn tại huyện Krông Pa, ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm-cho biết: Để công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng đạt kế hoạch đề ra, cơ quan chuyên môn và các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động lồng ghép trong các buổi họp dân; in 7.000 tờ rơi có nội dung về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã có 1.829 hộ dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm với hơn 2.952 ha (các xã 2.894 ha, chủ rừng 58 ha).
Còn khó khăn, vướng mắc
Theo kết quả rà soát 3 loại rừng theo Quyết định số 53/QĐ-UBND của UBND tỉnh và kết quả kiểm kê rừng năm 2014, toàn tỉnh có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 886.904 ha; trong đó, diện tích có rừng là 623.280 ha, diện tích đất chưa có rừng là 263.623 ha (có 178.717 ha người dân đang sản xuất nông nghiệp trong đất quy hoạch lâm nghiệp). Cuối năm 2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 100/NQ-HĐND về kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là 741.193 ha; trong đó, diện tích có rừng 597.186 ha, diện tích đất chưa có rừng hơn 144.066 ha (75.904 ha người dân sản xuất nông nghiệp trong đất quy hoạch lâm nghiệp).
 Người dân huyện Đak Pơ trồng rừng bằng cây bạch đàn. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Đak Pơ trồng rừng bằng cây bạch đàn. Ảnh: Lê Nam

Sau 3 năm triển khai Kế hoạch số 1123, toàn tỉnh đã vận động được 17.232  hộ dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm, tổng cộng là 31.509 ha (đạt 100,5% kế hoạch), trồng rừng được 18.098,7 ha.

Thời gian qua, phong trào trồng rừng ở huyện Kbang được triển khai rất hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn một số vướng mắc. Ông Trương Thanh Hà-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện-cho biết, kết quả rà soát 3 loại rừng theo Nghị quyết số 100 của HĐND tỉnh có sự khác biệt so với các quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất của UBND tỉnh giao cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Theo đó, một số diện tích phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp (có nguồn gốc từ đất rừng) nhưng không được đưa vào diện tích thu hồi, hoặc một số diện tích đất quy hoạch đất nông nghiệp nhưng có độ dốc lớn, bạc màu, tiếp giáp với rừng tự nhiên. Những diện tích này cần phải được điều chỉnh đưa vào đất quy hoạch lâm nghiệp để trồng rừng. “Chủ trương của huyện Kbang là khuyến khích người dân phát triển cây lâm nghiệp dài ngày, đa mục đích như cây mắc ca, dổi. Tuy nhiên, khi đối chiếu với những quy định thì lại không đảm bảo về mật độ cây trồng theo tiêu chuẩn. Do đó, huyện đề xuất cơ quan chức năng của tỉnh kiến nghị lên cấp trên để đưa những diện tích này vào diện tích rừng trồng. Ngoài ra, do giá mía xuống thấp nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi qua trồng rừng, nhưng những diện tích này lại không nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nên người dân không được hỗ trợ. Do đó, huyện cũng đã đề xuất UBND tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ phần nào cho người dân”-ông Hà đề xuất.
Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Diện tích đất rừng bị lấn chiếm chủ yếu là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo. Người dân đã sản xuất nông nghiệp trên diện tích này từ lâu và đây là nguồn thu nhập chính của họ. Nhiều diện tích người dân đang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, điều… có giá trị kinh tế cao nên khó vận động chuyển đổi sang trồng rừng. Nhận thức của người dân về phát triển rừng cũng như chính sách hưởng lợi từ việc trồng rừng còn hạn chế. Công tác rà soát, phân loại đối tượng lấn chiếm đất rừng gặp khó khăn do khó tiếp cận các đối tượng; diện tích đất rừng bị lấn chiếm lớn, phân bố ở những địa hình phức tạp và không có đầy đủ hồ sơ vi phạm được lập, không xác định được thời điểm chặt phá, lấn chiếm đất rừng. Kinh phí hỗ trợ trồng rừng còn hạn chế, trong khi mức đầu tư cho một chu kỳ trồng rừng cao…
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp và tuyên truyền để người dân hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện Kế hoạch 1123/KH-UBND. Trước mắt, vận động người dân tự nguyện kê khai toàn bộ diện tích đang sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 hoàn thành việc kê khai này. Trên cơ sở kê khai, các ban chỉ đạo huyện, xã rà soát, đo đạc, định vị trong thực tế, phân loại đối tượng đang sử dụng để có kế hoạch giao quyền sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển lâm nghiệp, trồng rừng”-ông Nam cho biết thêm.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm