Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký quyết định công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 của ngành Tư pháp. Một trong top 10 sự kiện đó là thu hồi tài sản tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong năm 2022, kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.240 tỉ đồng, tăng trên 28.156 tỉ đồng so với năm 2021. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt gần 16.000 tỉ đồng, tăng trên 12.000 tỉ đồng so với năm 2021.
Năm 2022, thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả như vậy là do các cơ quan có thẩm quyền đã quyết liệt không để cho tội phạm tham nhũng kịp tẩu tán hết tài sản. Ví dụ, vụ án kit test Việt Á, những người có liên quan đều bị phong tỏa tài khoản, đất đai nhà cửa, để đảm bảo công tác thi hành án về sau.
Thêm một điều cũng rất đáng ghi nhận, là nhiều bị cáo chủ động nộp lại tiền nhận hối lộ, tiền thất thoát do hành vi sai phạm của họ. Ví dụ như cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái, mỗi người nộp lại đủ 14,5 tỉ đồng nhận hối lộ.
Trong vụ án AIC, các cơ quan chức năng cũng đã phong tỏa một số tài sản của các cá nhân liên quan, cho nên năm sau, chắc chắn có đủ cơ sở để đảm bảo thực hiện thi hành án. Tại phiên xử ngày 23.12, đại diện AIC cũng đưa ra cam kết bồi thường hơn 152 tỉ đồng là số tiền thiệt hại trong vụ án.
Theo dõi các vụ án tham nhũng, người dân bức xúc là đồng tiền nhà nước bị cướp đoạt quá lớn. Hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng bị xâu xé, vơ vét vào tay quan tham thì không quốc gia nào chịu nổi. Chính vì vậy, thu hồi được tiền tham nhũng mới là điều người dân quan tâm nhất, còn chuyện quan tham ở tù bao nhiêu năm, đó là chuyện của tòa, của pháp luật, của cá nhân tội phạm và gia đình họ.
Trên thực tế, việc ông lãnh đạo nào, dù to đến mấy, bị khởi tố bắt giam, cũng chỉ ồn ào một thời gian rồi im ắng. Thời gian sau họ ra về, lấy tiền tham nhũng ra xài, vi vu sung sướng, chưa kể còn để lại cho con cái làm gia sản về sau. Người nào già quá không còn sức để tiêu tiền nữa thì theo phương châm "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Vậy thì chống tham nhũng được ích gì?
Không để cho tội phạm tham nhũng có cơ hội "củng cố đời con", thì phải bằng mọi biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Trên thực tế, có nhiều vụ án, cơ quan tố tụng đưa ra số tiền thất thoát rất lớn, nhưng chưa thấy có dấu hiệu thu hồi được.
Ví dụ vụ ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương - cùng nhóm cựu lãnh đạo tỉnh này và nhiều cá nhân khác bị cáo buộc gây thất thoát hơn 5.000 tỉ đồng vụ bán rẻ “đất vàng”. Cần phải thu hồi không sót một cắc.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)