Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 29-10, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương mong muốn các bộ ngành, địa phương kịp thời giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng dồn dập giải ngân vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1-2023.
 


Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt khoảng 298 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 40,3 ngàn tỷ đồng và cao hơn 16% so với năm 2021. Điều này cho thấy, lượng vốn giải ngân ra nền kinh tế nhiều hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)


Theo ông Trần Quốc Phương, nếu không tính 38 ngàn tỷ đồng giao bổ sung dự toán năm 2022 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao trong đầu tháng 10 thì đạt khoảng 55%. Con số này gần bằng với mức 55,8% của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, năm 2021, giải ngân cả năm dồn vào 3 tháng cuối năm và quy định về ngân sách giải ngân đến 31-1-2022 nên cả nước giải ngân được hơn 90%.

“Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng để thúc đẩy giải ngân (tức là còn 2 tháng cuối năm cộng thêm 1 tháng giải ngân chuẩn bị quyết toán-P.V). Do vậy, thời gian triển khai các giải pháp mới không còn nhiều. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Chính phủ kiến nghị mấy nhóm giải pháp để tích cực hơn, thực hiện quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm. Hy vọng chúng ta có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31-1-2023”-ông Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Phương, giải pháp từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ. Điển hình là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15-9-2022 của Chính phủ, cộng với các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các tổ công tác của Chính phủ đi làm việc với các bộ ngành, địa phương.

Nhiệm vụ quan trọng nhất là các bộ, ngành, địa phương phải đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các Ban quản lý dự án, đặc biệt các nhà thầu thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. Bên cạnh đó, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt.

Đồng thời, chuẩn bị các thủ tục hành chính kịp thời giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng dồn dập giải ngân vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1-2023.

Cuối cùng, theo ông Phương đó là công tác chuẩn bị vì bước vào năm 2023, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 cao hơn năm 2022 hơn 100.000  tỷ đồng. Vì vậy áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. Ông Phương nhấn mạnh: “Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép của thời điểm cuối năm”.

 


HUỲNH LÊ (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm