Văn hóa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Chiều 1-11, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023. 

Làm việc với đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-Trưởng ban Tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Tiểu ban Festival và Tiểu ban Nội dung thuộc Ban tổ chức Tuần Văn hoá-Du lịch.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo về nội dung kịch bản chương trình khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 và trình diễn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Thứ trưởng Tạ Quang Đông-Chỉ đạo nghệ thuật, Tổng đạo diễn chương trình khẳng định: Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa" là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo tinh thần Chương trình hành động nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là dịp để các dân tộc Tây Nguyên gặp gỡ, giao lưu văn hóa, học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Theo đó, chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch gồm 2 chương: “Linh thiêng đại ngàn” mang màu sắc sử thi, ca ngợi vùng đất Gia Lai, Tây Nguyên và không gian văn hóa cồng chiêng; “Sức sống cồng chiêng” khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Dự kiến có khoảng 600 học sinh, diễn viên của Gia Lai tham gia các tiết mục trong chương trình nghệ thuật. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ là người Tây Nguyên và một số ca sĩ, rapper nổi tiếng cả nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (bìa trái) chỉ đạo nghệ thuật, Tổng đạo diễn chương trình. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (bìa trái) chỉ đạo nghệ thuật, Tổng đạo diễn chương trình. Ảnh: Hoàng Ngọc

Xuyên suốt chương trình nghệ thuật là âm nhạc mang âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên thông qua hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Chương trình cũng tái hiện những trường ca, sử thi Tây Nguyên gắn liền với những vị thần, anh hùng được nhân dân bao đời ngưỡng vọng; sân khấu hóa những lễ hội, phong tục, tập quán gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân Tây Nguyên. Qua đó, chương trình vẽ nên một bức tranh về đại ngàn hùng vĩ, nơi những thanh âm núi rừng hòa quyện cùng tiếng cồng chiêng vang lên như một bản hòa ca bất tận, tạo nên không gian kết nối, giao hòa giữa thiên nhiên-con người-thần linh, giữa quá khứ-hiện tại-tương lai.

Chương trình khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 10 phút ngày 11-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) gồm 2 phần: lễ công bố, đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và công bố Bảo vật quốc gia Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê; chương trình nghệ thuật và trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Dự kiến có khoảng 1 ngàn nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên trình diễn cồng chiêng trong phần khai mạc từ “Âm vang đại ngàn”. Theo thứ trưởng Tạ Quang Đông, đây sẽ là kỷ lục về số nghệ nhân trình diễn cồng chiêng trong một chương trình nghệ thuật.

Có thể bạn quan tâm