Thời sự - Sự kiện

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến phát triển bền vững du lịch Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 15-11, tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Hội nghị còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan truyền thông; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Ảnh chụp qua màn hình

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Ảnh chụp qua màn hình

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, tập đoàn, chuyên gia và đơn vị liên quan đến lĩnh vực du lịch. Các ý kiến tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới như: đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu, đường bộ, đường biển; giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến địa phương thông qua tăng cường kết nối, mở rộng đường bay; vai trò của địa phương và các chủ thể trong quản lý điểm đến và xúc tiến quảng bá; điều chỉnh giá điện, giảm giá thuê đất, hoãn thời hạn nộp thuế…cho các đơn vị kinh doanh du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tăng cường liên kết vùng, hợp tác công-tư nhằm xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường chuyển đổi số du lịch…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: dù có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế nhưng du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả; còn tình trạng mạnh ai nấy làm, sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, chất lượng chưa cao, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn dài hạn.

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị nâng cao nhận thức, tầm quan trọng, giá trị của ngành du lịch mang lại. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao; xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam đặc sắc dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa; phối hợp, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp, giữa Trung ương và địa phương, giữa nhà nước và tư nhân, giữa các chủ thể liên quan; xây dựng chuỗi giá trị liên kết du lịch quốc gia, toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển du lịch Việt Nam theo định hướng sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản; giá cả cạnh tranh; môi trường vệ sinh sạch đẹp; điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện; thể chế thông thoáng, giao thông thông suốt, quản lý thông minh, đảm bảo nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực du lịch.

Có thể bạn quan tâm