Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Lấy người dân là mục tiêu để cải cách hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-9, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân. 

Hội nghị nhằm đánh giá công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay, đồng thời triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành thuộc tỉnh.

Đồng chí Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự Hội nghị tại đầu cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy.jpg
Đồng chí Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan. Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao năng suất lao động, tăng cường công khai, minh bạch, cá thể trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong giải quyết công việc. Riêng trong 8 tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương, 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.

Tại Gia Lai, đến nay, 100% số vấn đề liên quan đến TTHC phát hiện qua rà soát đã được xử lý hoặc kiến nghị xử lý; công bố kịp thời TTHC và danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đúng quy định; 100% TTHC được nhập, đăng tải công khai kịp thời vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã công khai TTHC đầy đủ, đúng quy định tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC, công khai đầy đủ tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC, tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp xã tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn, gần 100%; thực hiện đầy đủ và đúng quy định về việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC. Số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh đã được xây dựng, cung cấp là 1.150 dịch vụ. 

Gia Lai luôn nỗ lực phát huy vai trò của Trung tâm dịch vụ hành chính công. Ảnh: Hà Duy.
Gia Lai luôn nỗ lực phát huy vai trò của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương để có được kết quả đáng khích lệ đã đạt được trong công tác cải cách TTHC, đồng thời yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, góp phần thay đổi ý thức, suy nghĩ và hành vi của người dân về cải cách hành chính; tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng. Cần có tư duy, cách tiếp cận mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa ở các cấp lãnh đạo, nhất là cấp trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Các bộ, ngành và địa phương phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, loại bỏ tinh thần cục bộ, cá nhân, biết học hỏi những cách làm tốt của các đơn vị bạn, không tự ti, tự ái, phát huy tinh thần trách nhiệm trong quyền hạn của mình; lấy người dân là mục tiêu, là chủ thể, là động lực để cải cách TTHC, qua đó lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả thực hiện.

Cải cách TTHC phải bám sát thực tiễn, phù hợp với thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; nâng cao năng lực cán bộ, càng áp lực càng phải nỗ lực. Tiếp tục cắt giảm các TTHC không cần thiết liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến 2023 có ít nhất 50% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh kết nối, tích hợp thông tin dữ liệu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính để tiến tới xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.  

HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm