Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong quý II-2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 5-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022; đồng thời triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Trong quý I-2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu và lạm phát tăng cao nhưng các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm tinh thần chủ đề điều hành năm 2022 “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, triển khai tích cực, linh hoạt, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế, tạo điều kiện phục hồi nhanh ngay trong quý I và cả năm 2022. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn


Trong đó, GDP quý I-2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021, đáng chú ý khu vực dịch vụ tăng 4,58%. Thu ngân sách đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, ước tính có 59/63 địa phương thu nội địa vượt tiến độ dự toán (trên 25%). Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm 7,07% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4%; thị trường du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn, lượng khách quốc tế tăng 89,1% so với cùng kỳ năm 2021; nhiều địa phương có lượng khách quốc tế tăng mạnh như: Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa…

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được quan tâm. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai. Công tác phòng-chống dịch Covid-19, tiêm vắc-xin, điều trị bệnh nhân được tiến hành quyết liệt; đẩy mạnh tiêm mũi 3, chuẩn bị sẵn sàng tiêm cho trẻ 5-12 tuổi; số ca nhiễm mới giảm dần, số ca nhập viện, chuyển nặng, tử vong duy trì ở mức thấp và trong phạm vi kiểm soát; tích cực triển khai lộ trình mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Đến nay còn 13/51 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 với số vốn hơn 51.982 tỷ đồng (bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tính đến ngày 31-3, vốn ngân sách nhà nước ước thanh toán đạt 11,88%, thấp hơn cùng kỳ năm 2021; có 4 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 20%, có 46/51 bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%)…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đối với kết quả khá tích cực, toàn diện, đồng bộ đã đạt được ở hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh những thuận lợi, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới. Đó là, thúc đẩy chương trình phòng-chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, nếu không hoàn thành sẽ kiểm điểm người đứng đầu; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử và các loại hình sản xuất kinh doanh; cơ cấu và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Chú trọng tốc độ phục hồi các lĩnh vực, nhất là du lịch thích ứng với tình hình mới; thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh. Mặt khác, quan tâm công tác phát triển hạ tầng văn hóa giáo dục-đào tạo, chú trọng công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần nhân dân; tập trung rà soát hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; thanh-kiểm tra phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc; tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đường giao thông trọng điểm; hoàn thành tốt công tác quy hoạch khai thác mỏ và quản lý các mỏ nguyên vật liệu.

 

MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm