Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thủ tướng Chính phủ: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính và ngân sách nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 6-1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Năm 2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, song ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước. Kết quả thu ngân sách nhà nước đạt 1.563,3 ngàn tỷ đồng, vượt 16,4% so dự toán, tăng 3,7% so với năm 2020. Tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2021 ước thực hiện 1.879 ngàn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Đặc biệt, ngân sách nhà nước đã chi 45,1 ngàn tỷ đồng cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 và 28,9 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hà Duy


Bám sát chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Bộ Tài chính xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2022 là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng-chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Theo đó, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.411,7 ngàn tỷ đồng; dự toán chi ngân sách nhà nước là 1.784,6 ngàn tỷ đồng; dự toán bội chi mức 4% GDP.

Năm 2021, Gia Lai thu ngân sách đạt 7.880,9 tỷ đồng, đạt 173,1% dự toán Trung ương giao, đạt 156,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 71,6% so với năm 2020; thực hiện chi cả năm là 12.172 tỷ đồng, bằng 100,4% dự toán Trung ương giao, đạt 96,7% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 9,3% so với năm 2020. Năm 2022, Trung ương giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là 5.415 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021; dự toán được HĐND tỉnh thông qua là 5.827 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2021. Trung ương giao dự toán chi ngân sách địa phương là 13.023 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2021; dự toán được HĐND tỉnh thông qua là 13.434 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Năm 2022 là năm quan trọng, có ý nghĩa bản lề, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Vì vậy, ngành Tài chính cần bám sát chủ đề đã đề ra, chủ động tham mưu chiến lược về thu ngân sách nhà nước; có tiêu chí để phân bổ thu-chi hợp lý, hạn chế tiêu cực. Căn cứ vào chức năng, quyền hạn của Bộ Tài chính, căn cứ vào 6 quan điểm và 12 nhiệm vụ của Chính phủ để đưa ra những nhiệm vụ cụ thể của ngành nhằm thực hiện cho hiệu quả. Khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, bất cập còn tồn tại thời gian qua. Nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, không để xảy ra những bất ngờ liên quan đến tài chính-ngân sách”.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước; lắng nghe ý kiến của các địa phương để tập trung đẩy mạnh 3 đột phá, kịp thời nắm bắt vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ. Phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tìm các giải pháp để tăng thu, giảm chi. Tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, nhất là quản lý đất đai. Phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là trong dịp lễ, Tết. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong toàn ngành; chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai mạnh hóa đơn điện tử, chuyển đổi số. Kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm