Thủ tướng cho rằng, ngay cả trong vấn đề nợ công, nếu đi vay tràn lan để đầu tư phát triển sẽ dẫn dến nhiều nguy cơ nên làm gì cũng đúng mức, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2018 ngày 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Việt Nam đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện trong thời gian qua, trong đó, uy tín của Việt Nam được cải thiện trên trường quốc tế, khả năng hứng chịu trước biến động của thế giới cũng tốt hơn.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, ông vẫn "chưa an tâm". Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, từ đó xác định phương hướng phải quan tâm đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nắm bắt cơ hội cách mạng 4.0, xử lý các vấn đề xã hội.
Thủ tướng lưu ý phải cố gắng tìm ra động lực phát triển mới tốt hơn bởi nếu không tìm giá trị gia tăng thì Việt Nam sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Cùng với đó, Chính phủ cố gắng sắp xếp tổ chức lại, tháo gỡ những ràng buộc cho sự phát triển.
Thủ tướng khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, nhưng ông cũng lo ngại về mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp. Thủ tướng mong các địa phương phải cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, tiếp tục phát triển FDI có chọn lọc, liên kết hai khối kinh tế lại với nhau để cùng phát triển.
Đáng lưu ý, về vấn đề tài chính ngân sách, Thủ tướng nhắc nhở: "Đừng "mặc áo quá đầu”, phải “liệu cơm gắp mắm” để giữ cân đối".
Trong vấn đề nợ công, Thủ tướng cho rằng, nếu đi vay tràn lan để đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ nên làm gì cũng đúng mức, hiệu quả. "Tất nhiên, nếu dừng lại không làm gì cũng chết, nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, ông nói.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tiến hành mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm bởi nếu làm không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đặt vấn đề các đơn vị, địa phương phải hợp tác tốt hơn, có ý chí, quyết tâm hơn trong công việc, không bỏ lưng chừng, làm đến nơi đến chốn.
"Mỗi người dân, tổ chức, đặc biệt người có trách nhiệm phải có khát vọng trong phát triển, có nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong phát triển mới có thể đưa đất nước tiến lên. Dân tộc Việt Nam 100 triệu dân phải làm sao chung một ý chí quyết tâm thì sẽ có chuyển biến rất mạnh mẽ. Nếu phát động được quần chúng, giám sát, thúc đẩy thì nhiều việc tốt sẽ được làm mà không tốn kém tiền bạc”, Thủ tướng nói.
Lâm An (BizLIVE)