Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thủ tướng làm việc với tỉnh Khánh Hòa về hướng phát triển đến năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đề xuất, góp ý để tỉnh Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững, nhất là kết nối vùng và các địa phương.

 

 Buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Sau một ngày khảo sát thực địa, sáng 13/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Khánh Hòa nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, nhiệm vụ năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Khánh Hòa có Bí thư tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của địa phương.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu nêu các ấn tượng, cảm xúc, những trăn trở, băn khoăn với Khánh Hòa, đề xuất, góp ý để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, nhất là kết nối vùng như thế nào để Khánh Hòa và các địa phương trong vùng cùng phát triển, bảo vệ vững chắc quốc phòng-an ninh…

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ; cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa đạt được một số kết quả tích cực, trong đó nổi bật là thu ngân sách đạt trên 14 ngàn tỷ đồng, vượt hơn 2% so với kế hoạch.

Tuy nhiên trong năm 2021, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Toàn tỉnh có 8/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội không đạt kế hoạch; khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chưa cân bằng, bền vững; công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trật tự xây dựng tại một số nơi chưa chặt chẽ...

 

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Năm 2022, Khánh Hòa quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế 8,5%. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung công tác lập quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư; tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm; phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Tại buổi làm việc, tỉnh Khánh Hòa đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số đề xuất nhằm phục hồi kinh tế-xã hội nhanh và phát triển bền vững; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị như đề nghị bổ sung một số quy hoạch của tỉnh vào quy hoạch chung toàn quốc; cho phép triển khai một số dự án đầu tư lớn trên địa bàn; triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông...

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương cho rằng tỉnh Khánh Hòa là địa phương có vị trí quan trọng và có tiềm năng, lợi thế lớn phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngoài phát triển du lịch và một số sản phẩm đặc trưng, tỉnh Khánh Hòa chưa tận dụng được tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

Cụ thể là chưa phát triển mạnh kinh tế biển, kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, vai trò trung tâm chưa được thể hiện rõ nét; khu kinh tế Vân Phong chậm phát triển... Do đó, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch chung; huy động và tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng; có một số dự án đầu tư, một số đô thị tạo đột phá, dẫn dắt phát triển chung.

Theo Phạm Tiếp (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm