Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: EVFTA sẽ là cao tốc hiện đại nối Việt Nam-EU

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát biểu tại lễ ký kết Hiệp định tự do thương mại Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng khi 2 hiệp định có hiệu lực sẽ trở thành tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn EU và Việt Nam...
Chiều 30/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Cùng dự buổi lễ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Về phía Liên minh Châu Âu, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Romania Stefan-Radu Oprea dự lễ ký.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU. 
 
Hình ảnh Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện Liên minh Châu Âu trao đổi biên bản ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện Liên minh Châu Âu trao đổi biên bản ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam- EU.
 
Các đại biểu dự lễ ký.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng khi 2 hiệp định có hiệu lực sẽ trở thành tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn EU và Việt Nam, và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp 2 bên có thể tiếp cận thị trường của nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng 2 hiệp định nâng quan hệ VN-EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống, thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của hai bên Việt Nam-EU. Hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau, cùng hợp tác, cùng có lợi, cùng phát triển, hướng về tương lai tươi sáng...
Thủ tướng cho biết việc ký kết mới là bước khởi đầu, và hy vọng hai bên sẽ sớm phê chuẩn.  Hai bên cần nỗ lực để triển khai thành công. Việt Nam sẽ ban hành chương trình hành động quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, thực thi đầy đủ các cam kết...
Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan-Fadu Oprea cho rằng việc ký kết 2 hiệp định này là sự kiện mang tính lịch sử trong quan hệ Việt Nam-EU sau thời gian dài đàm phán. Việc ký là biểu tượng quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay.
Cao ủy Thương mại EU Cecilia Matrom đánh giá việc ký kết là thành quả lớn của quá trình đàm phán từ năm 2012 và hoàn tất năm 2015, để hôm nay đặt bút ký vào hiệp định tham vọng này, thể hiện sự hợp tác lâu bền giữa 2 bên. Việc cắt giảm 99% dòng thuế cho doanh nghiệp sẽ giúp giảm chi phí, tình trạng quan liêu mà doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ khi họ đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường mới.
Điều gì khiến EVFTA khác biệt?
Sự khác biệt chủ yếu giữa EVFTA và các hiệp định thương mại khác là EVFTA toàn diện hơn khi xét về cải cách thể chế.
Các hiệp định thương mại trước đó và việc tham gia vào WTO đa phần mang tính chất là những cam kết có ý nghĩa dỡ bỏ các rào cản, chú trọng vào việc mở cửa thị trường trao đổi hàng hoá hay mở cửa thị trường Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài.
Xét về thương mại hàng hóa, tiến trình này được minh hoạ bằng việc giảm thuế. Trên phương diện gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu là tạo ra sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước trên cơ sở từng ngành.
Cơ hội quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là những bảo hộ mới dành cho hoạt động kinh doanh của họ và cho cả hợp tác giữa họ với các đối tác nước ngoài. Các cam kết của EVFTA sẽ chuẩn hoá các quy định quốc tế theo nhiều cách. Và việc chuyển đổi luật pháp đó sẽ tăng cường đảm bảo cho hoạt động đầu tư lâu dài. 
Một ví dụ là theo quy định của EVFTA, hàng hóa của Việt Nam sẽ được đăng ký chỉ dẫn địa lý thuận lợi hơn tại EU. Ví dụ, theo EVFTA, nước mắm Phú Quốc được đăng ký chỉ dẫn địa lý và chỉ nước mắm sản xuất tại đảo Phú Quốc mới được giới thiệu tại thị trường châu Âu là Nước mắm Phú Quốc. Việc bảo hộ một thương hiệu kinh doanh không chỉ giúp bảo vệ sản phẩm truyền thống của Việt Nam mà còn tạo dựng thương hiệu và bảo đảm đầu tư vào hòn đảo này.
Là quốc gia có nền nông nghiệp độc đáo và nhiều sản phẩm truyền thống, riêng khía cạnh này của Hiệp định sẽ giúp bảo đảm và thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam. 
Bình Giang-Như Ý (TPO)

Có thể bạn quan tâm