(GLO)- Chiều 24-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Các đại biểu tại điểm cầu Gia Lai nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Lê Nam |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên; lãnh đạo các sở, ngành, hội, đoàn thể và đại điện một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2020, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt dị thường như: mưa đá diện rộng ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc; nửa đầu năm hạn khắc nghiệt ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam; mặn, kiệt ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn cả mốc lịch sử năm 2016; tháng 10, tháng 11 bão, lũ ở các tỉnh miền Trung vượt xa các mốc lịch sử quan trắc trước đó. Cùng với đó là dịch tả heo châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá mì...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Sản xuất lúa đạt sản lượng 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, giá gạo xuất khẩu được nâng cao từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020. Rau, màu khoảng 1,16 triệu ha, sản lượng đạt 18,2 triệu tấn, tăng 458 ngàn tấn so với năm 2019. Cây ăn quả 1,1 triệu ha, tăng 40 ngàn ha so với năm 2019. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019 (khai thác ước đạt 3,8 triệu tấn, nuôi trồng 4,56 triệu tấn).
Duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo). Thành lập mới 14 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 1.555 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 17.300 hợp tác xã nông nghiệp; thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp. Phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm OCOP. Đến nay, cả nước đã có 5.506 xã (chiếm 62%), 173/664 huyện (chiếm 26%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (giữa), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa trái) và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản năm 2021 của ngành Nông nghiệp như: tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản trên 2,8-3,1%; trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7%, thủy sản tăng 3,8%, lâm nghiệp tăng 5,0%; kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp...
Tại Gia Lai, năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đạt 550.596 ha. Trong đó, cà phê 97.357 ha, cao su 88.979 ha, hồ tiêu 13.673 ha, cây ăn quả 18.180 ha, lúa 75.646 ha, mì 78.881 ha, mía 30.145 ha, bắp 44.683 ha, rau 34.000 ha, dược liệu 982 ha và các loại cây trồng khác.
Để giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, tỉnh đã chuyển đổi 31.415 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance là 186.885 ha. Tổng đàn gia súc được hơn 856.660 con, gia cầm 4.000.000 con.
Năm 2020, tỉnh đã tổ chức 3 đoàn doanh nghiệp đi kết nối giao thương, cung cầu ra ngoài tỉnh và tổ chức 8 hội chợ, 4 phiên chợ phục vụ xúc tiến thương mại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 515 triệu USD, tăng 14% so với năm 2019. Đặc biệt, tỉnh đã có 2 sản phẩm (chanh dây và cà phê) được xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Toàn tỉnh có 28.130 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trồng được 5.004 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng giai đoạn 2016-2020 lên 27.000 ha.
Tỉnh có thêm 107 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 149. Có thêm 18 xã nông thôn mới, nâng toàn tỉnh lên 88 xã và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 56 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Thành lập mới được 33 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 234 hợp tác xã.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp và các địa phương, các cấp, các ngành trong năm 2020. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại trong năm như: tăng trưởng nông nghiệp chưa thực sự bền vững; chưa đạt một số chỉ tiêu đề ra; cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi còn nhiều bất cập; chênh lệnh giàu nghèo giữa các khu vực còn cao; thu nhập của nông dân còn thấp; công tác dự báo cung cầu còn yếu; tình trạng phá rừng tự nhiên còn xảy ra...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra cho nông sản. Thủ tướng đồng ý các mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Nông nghiệp đã đưa ra trong năm 2021 là GDP giữ vững được khoảng 3%, giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp...
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hình thành nền nông nghiệp thông minh; tăng cường chuỗi liên kết trong sản xuất; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới và một số nhiệm vụ quan trọng khác, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất hàng hóa lớn.
LÊ NAM