Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, rừng không phải là cây kim mà trôi tuột đi được, vậy lực lượng Công an, Kiểm lâm ở đâu?
Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên, sáng nay (20-6), tại TP. Buôn Ma Thuột, Đak Lak, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp khôi phục bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Rừng bị tàn phá. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta phá rừng quá nhiều dẫn đến sụt giảm diện tích nghiêm trọng, gây sa mạc hóa, khô cằn vùng Tây Nguyên. Diện tích rừng mất quá lớn và quá nghiêm trọng, đó là mất 1,5 triệu ha rừng, 41% diện tích.
Thủ tướng nêu vấn đề, không có chủ rừng nào tại Tây Nguyên mà nghèo, thậm chí giàu có khá giả, trong khi trách nhiệm của lực lượng này không rõ ràng. Do đó, Hội nghị phải đưa ra một số biện pháp rõ ràng, dứt khoát, trong đó đóng cửa hoàn toàn việc khai thác rừng tự nhiên; không chuyển rừng nghèo sang sản xuất cây công nghiệp, thay vào đó là thâm canh, không lợi dụng là rừng nghèo để phá rừng, chuyển đổi cây trồng khác.
Thủ tướng nhấn mạnh cần có chính sách để người trồng rừng và quản lý rừng hiệu quả. Đặt vấn đề lực lượng nào xử lý nghiêm những người vi phạm theo pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, rừng không phải là cây kim mà trôi tuột đi được, vậy lực lượng công an, kiểm lâm ở đâu? Do đó, các cán bộ lãnh đạo ở các địa phương không chỉ nói thực trạng mà đề xuất giải pháp biện pháp để ngân sách tiết giảm được, bộ máy quản lý được để giải quyết việc khôi phục rừng hiện nay.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 5 năm qua, trữ lượng rừng Tây Nguyên giảm 17,4%, tình trạng khai thác rừng và lâm sản trái phép, vi phạm phòng cháy chữa cháy rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong khi đó, việc trồng rừng lại triển khai chậm. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên mới trồng bổ sung được hơn 4.500 ha rừng, chỉ bằng 4,4% diện tích rừng trồng mới của cả nước. Trong khi đó, lẽ ra Tây Nguyên cần phải trồng thêm gần 22.000 ha rừng.
Trong các nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng Tây Nguyên sụt giảm nghiêm trọng là do quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng và chủ rừng, vẫn còn tình trạng tiếp tay phá rừng. Trong khi đó, việc xã hội hóa công tác bảo vệ rừng triển khai chậm. Hộ gia đình và cá nhân chỉ quản lý 3,1% diện tích, UBND các xã quản lý 20,7%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sức ép phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng, dân số tăng nhanh do di cư tự do. Thêm vào đó, giá một số mặt hàng nông lâm sản tăng, dẫn đến tình trạng xâm lấn, sử dụng đất rừng ồ ạt, trồng các loại cây có giá trị cao hơn.
Trong khi quản lý rừng chưa chặt chẽ, thì tình trạng buôn bán gỗ và lâm sản bất hợp pháp vẫn diễn ra. Việc quản lý các cơ sở chế biến gỗ kém hiệu quả, cấp phép kinh doanh chế biến gỗ còn thiếu quy hoạch. Tại Tây Nguyên, 55 công ty lâm nghiệp Nhà nước quản lý gần 1 triệu ha rừng, nhưng việc sắp xếp chuyển đổi hoạt động còn chậm.
Theo nhiều Bộ, ngành, nhiệm vụ trước mắt là bảo vệ duy trì 2,2 triệu ha rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, xử lý tình trạng phá rừng và đất nông nghiệp bị tranh chấp lấn chiếm, ngăn chặn không để phát sinh thêm đất lâm nghiệp và đất rừng tranh chấp.
Khôi phục phát triển rừng tại Tây Nguyên, trồng 11.600 ha/năm. Nâng cao năng suất chất lượng rừng sản xuất, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Cùng với đó là phát triển dịch vụ rừng để người dân hưởng lợi, tránh phá rừng.
Bộ cũng đề nghị quy hoạch, rà soát và quy hoạch bảo vệ và khôi phục rừng Tây Nguyên, bảo vệ chặt chẽ rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất; Đánh giá bố trí cây trồng phù hợp trên địa bàn Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cần có biện pháp quản lý bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; giao địa phương chịu trách nhiệm quản lý rừng, xử lý dứt điểm các điểm nóng buôn lậu gỗ, phá rừng, chống người thi hành công vụ.
Theo VOV