Ngày 27/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị mở cửa trường học trở lại và đón khách du lịch, phục hồi kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo, sáng 27/1/2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc họp nhằm rà soát, nắm tình hình dịch bệnh, nhất là xem xét về những vấn đề phát sinh, đáng lưu ý để có giải pháp chủ động xử lý kịp thời không bị động. Qua đó góp phần để nhân dân được đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh.
Đặc biệt việc hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022. Phấn đấu đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi; đến hết quý 1/2022 tiêm xong mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục nghiên cứu tính khoa học, hoàn thiện thủ tục pháp lý, xem xét, nghiên cứu nhập vaccine để tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đợt dịch thứ 4 đến ngày 26/1, cả nước đã ghi nhận trên 2,1 triệu ca mắc, hơn 1,9 triệu người đã khỏi bệnh. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 trường hợp phát hiện trong nước. So sánh giữa tháng 1/2022 và tháng 12/2021, số ca tử vong/100.000 dân của tháng 1/2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước), tỷ lệ chết/mắc của tháng 1/2022 là 1,1% đã giảm so với tháng 12/2021 (1,4%).
Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 15.000 ca mỗi ngày. Đáng chú ý đã có 06 ca được phát hiện trong cộng đồng, nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao.
Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron.
Cùng với đó, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng. Điều đó đòi hỏi thời gian tới cả nước phải có phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Lãnh đạo các địa phương cho biết, trong dịp Tết, cùng với thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; chăm lo an sinh xã hội, các địa phương kiểm soát chặt chẽ và sẵn sàng các điều kiện ứng phó với dịch COVID-19 để mọi người dân đều được vui Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn việc sử dụng vaccine Moderna tiêm mũi 3 cho người dân và đẩy nhanh quá trình xem xét tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi; hướng dẫn thống nhất mở cửa trường học và đón khách du lịch.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành thảo luận, thống nhất về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị sẵn sàng mở cửa trường học trở lại và mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế - xã hội; chuẩn bị cho người dân đón Tết... Đồng thời đề nghị cùng với phòng, chống dịch, các địa phương tạo mọi điều kiện để mọi người dân đều được về quê ăn Tết; chuẩn bị phương án để đưa học sinh, sinh viên đến trường bắt đầu từ ngày 7 đến 14/2; đặc biệt, các địa phương phải thực hiện các quy định phòng, chống dịch thống nhất theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các bộ, ngành Trung ương liên quan.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Trong đó số người nhiễm dịch có chiều hướng ổn định, đặc biệt số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong giảm rất sâu; hoạt động kinh tế, xã hội từng bước trở lại; tạo nền tảng thúc đẩy thực hiện "đa mục tiêu" trong năm 2022; người dân và bạn bè quốc tế, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ chương trình phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Đạt được kết quả như trên là nhờ có sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, cụ thể là Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, qua 2 năm phòng, chống dịch, chúng ta đã hình thành được lý luận về phòng chống dịch với 3 trụ cột chính và công thức "5K + vaccine, thuốc điều trị + ý thức người dân và các biện pháp khác". Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện chiến lược vaccine có hiệu quả. Nhờ đó chúng ta có tự tin để phòng chống dịch.
Thủ tướng nhận định, tình hình dịch còn diễn biến vẫn còn phức tạp, nhất là với chủng Omicron và có thể xuất hiện chủng mới. Do đó không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không được say sưa với kết quả đạt được vừa qua mà luôn chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp diễn biến mới; có phương án đối phó kịp thời, khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng các phương án, các biện pháp chủ động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình.
Theo đó, Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ ban hành văn bản pháp luật về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022-2023. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các nguyên tắc, nguyên lý phòng, chống dịch phù hợp với tình hình.
Đặc biệt, Bộ phối hợp với các địa phương thần tốc, thần tốc hơn nữa, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân 2022. Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu có vaccine mà các địa phương triển khai chậm thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Thúc đẩy sản xuất, công nhận vaccine, thuốc sản xuất trong nước, đảm bảo khoa học cũng như thủ tục pháp lý; đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc mở cửa du lịch, trên tinh thần nhanh nhất, sớm nhất, chậm nhất đến ngày 30/5/2022 phải mở cửa. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó về mục tiêu y tế là giảm số người mắc, giảm số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. Do đó Bộ Y tế không được để bị động, lúng túng bất ngờ mà phải chuẩn bị các giải pháp và cơ sở vật chất để ứng phó với mọi tình huống; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy trình, quy định trong phòng, chống dịch như quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên, khám chữa các loại bệnh khác cho nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục xây dựng, công bố các quy trình, biện pháp, điều kiện; diễn tập phòng, chống dịch trong điều kiện mới để mở cửa trường học đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; giảm tối đa sự lo lắng của phụ huynh, học sinh; theo nguyên tắc mở cửa nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình mở cửa du lịch đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; trên nguyên tắc đảm bảo liên thông, tổng thể, thống nhất giữa các loại hình và từ Trung ương tới địa phương; chậm nhất là dịp 30/4-1/5 mở cửa du lịch trở lại. Các bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải phối hợp để tổ chức hoạt động xuất, nhập cảnh an toàn, thuận tiện.
"Việc mở cửa trường học, đón khách du lịch trở lại phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng yêu cầu.
Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau; mọi người dân đều được vui Tết an toàn, nghĩa tình, tri ân và vui vẻ, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đảm bảo công tác an sinh, xã hội, để mọi người dân đều được ăn Tết.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương để người dân được di chuyển về quê ăn Tết và quay trở lại làm việc sau Tết an toàn, thuận tiện, trật tự. Theo dõi, nắm chắc tình hình nhân dân, tiếp thu ý kiến, tâm thư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời có giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, an dân.
Bộ Công Thương phải đảm bảo cung ứng hàng hóa, chống đầu cơ, nâng giá các mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu và phục vụ người dân đón Tết; đảm bảo điện năng, oxy cho sản xuất, chữa bệnh; lưu thông hàng hóa tại các cửa khẩu. Bộ Tài chính lo đảm bảo tài chính để mua vaccine, thuốc phòng, chống COVID-19; hướng dẫn hướng dẫn các địa phương đấu thầu, đấu giá thuốc, vật tư y tế…đảm bảo đúng pháp luật, chống tiêu cực. Bộ Công an đẩy nhanh điều tra vụ Công ty Việt Á để sớm đưa vụ án ra xét xử trước pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu làm tốt công tác truyền thông hơn nữa, đảm bảo mọi thông tin đều được công khai, minh bạch, phân tích, giải thích; tránh gây hoang mang, cảm xúc không đúng với sự thật; tránh bị kẻ xấu lợi dụng để chống phá; đấu tranh kịp thời trước các thông tin, luận điệu sai trái.
Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, các ngành, địa phương phải ứng trực 24/24 giờ phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo Phạm Tiếp (TTXVN)